Tổ chức

Giáo Sư Phạm Tỉnh Quát là người phụ trách đầu tiên của Ban Toán Đại học Khoa học Sài gòn, nay là Khoa Toán-Tin ĐHKHTN Tp. HCM. Trên tờ Thông Tin Toán Học (Hội Toán học Việt Nam) số tháng 12 năm 2009 có bài viết của tác giả Đào Phương Bắc về Giáo sư Phạm Tỉnh Quát. Khoa Toán-Tin xin đăng tải lại toàn bộ thông tin này để sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên và các thân hữu của Khoa Toán-Tin biết thêm về các nhân vật lịch sử trong giai đoạn hình thành và phát triển của Khoa Toán-Tin.

Xin xem file đính kèm.

Những bài học lớn từ thầy Đặng Đình Áng

Nguyễn Hữu Anh và Đặng Đức Trọng, Trường ĐHKH Tự Nhiên Tp Hồ Chí Minh

Quyển Kỷ yếu “Trong ngần bóng gương” kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của GS Đặng Đình Áng có giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Thầy, các giai thọai về Thầy, và những kỷ niệm sâu sắc của các học trò và bạn bè, đồng nghiệp của Thầy. Vì thế trong bài phát biểu này, tôi sẽ không nhắc đến các chi tiết ấy mà chỉ xin rút ra 4 bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy :

1/ Bài học thứ nhất là để thành công trong công việc gì, nhất là trong sự nghiệp cả đời, cần phải có quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng vẫn phải luôn tự đổi mới. Trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu, Thầy luôn luôn tập trung vào lãnh vực chính là Giải tích Toán học qua hơn 120 bài báo đã công bố, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới nội dung nghiên cứu Giải tích ở từng thời kỳ, bất kể tuổi tác của Thầy.

Xin nhắc lại rằng, Thầy vốn là một kỹ sư hàng không và được đào tạo về Toán Ứng dụng (Cơ học Môi trường liên tục) ở tại Học viện Công nghệ California CalTech. Tuy nhiên, đầu những năm 60 thế kỷ trước Thầy về Saigon dạy học, và để mang đến cho anh em chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết lúc bấy giờ qua các môn Topo, Giải tích Hàm, Giải tích Thực , Thầy đã phải cố gắng tự nghiên cứu rất nhiều. Quả thực anh em chúng tôi trong thế hệ sinh viên đầu tiên,đã rất thích thú tiếp thu những kiến thức mới này, và nhất là phương pháp dạy học bình dị của Thầy: Thầy luôn luôn khuyến khích anh em chúng tôi tự học, tự nghiên cứu hơn là nhồi nhét kiến thức, kết quả là cả chục sinh viên đã dược Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp gửi đi đào tạo tiếp ở nước ngoài và đã đạt được những thành công nhất định.

Đến những năm 70, ở tuổi bước qua “tứ thập nhi bất hoặc” để đi vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu sang lãnh vực Giải tích Toàn cục, Lý thuyết Điểm Bất động và Phương trình Vi-tích phân. Kết quả là một lọat luận án Tiến sĩ đầu tiên do Thầy hướng dẫn đã ra đời, trong đó luận án của GS Dương Minh Đức là luận án Tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ ở phía Nam sau năm 75.

Sang những năm 80 của thế kỷ trước, dù đã bước vào tuổi 60, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu. Lần này Thầy chuyển hướng sang nghiên cứu về Phương trình Đạo hàm riêng, giải quyết những Bài toán ngược, Bài toán không chỉnh. Hơn phân nửa các công trình nghiên cứu của Thầy đã được công bố trong giai đoạn này. Trong số những người bảo vệ luận án Tiến sĩ trong giai đoạn này và tiếp tục nghiên cứu thành công có thể kể đến Đặng Đình Hải và Lê Khôi Vỹ, hiện đang giảng dạy ở Mỹ và Đăng Đức Trọng, hiện là Trưởng Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng ở tuổi 70 sang 80, các công trình về Phương trình của Thầy Áng đã hướng tới với Cơ học, tình yêu đầu đời của mình. Thầy đã cùng các học trò và đồng nghiệp công bố trên 20 bài báo trong đó sử dụng công cụ Phương trình tích phân phi tuyến, phương trình đạo hàm riêng để giải các bài toán thú vị trong Cơ học và Địa Vật lý.

Cũng cần nói thêm các kết quả to lớn Thầy đã đạt được đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền Toán học ở miền Nam, và qua đó góp phần phát triển nền Toán học của cả nước. Thật vậy trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi Trường Đại học Khoa học Saigon còn phôi thai, nước Pháp tuy có gởi sang ta những Giảng viên Toán giỏi, nhưng họ chủ yếu dạy cho sinh viên Việt Nam cách học để thi cử. Thầy Áng đã đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu trình độ cao về lĩnh vực Bài toán ngược và Phương trình Đạo hàm riêng. Giám Đốc ĐHQG Tp. HCM luôn mong mỏi hình thành được các trường phái nghiên cứu khoa học của ĐHQG có đẳng cấp quốc tế. Giáo sư Đặng Đình Áng đã thành công trong việc xây dựng một trường phái như vậy về bài toán ngược và phương trình đạo hàm riêng tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp. HCM. Vì xuất thân là kỹ sư hàng không, lối giảng dạy của thầy Áng mang tính ứng dụng rất cao. Vì thế, trường phái Toán học tại Tp. HCM có đặc điểm lớn là hướng rất mạnh sang lĩnh vực Ứng dụng Toán học

2/ Bài học thứ hai là bài học về quan điểm giảng dạy. Khi Thầy về nước, ngoài những kiến thức mới như đã nói trên, Thầy còn mang về một phương pháp học tập mới: đó là tự học và tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Các sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vừa đủ để tham gia nghiên cứu khoa học. Các kiến thức cơ bản không học dàn trải một cách tràn lan như nhiều người vẫn nghĩ, thầy thường nói “học nhiều thối óc”. Chỉ khi đã đạt mức độ sâu trong lĩnh vực nghiên cứu mới mở rộng hay chuyển sang lĩnh vực khác. Tôi còn nhớ ngay khi học năm Thứ Ba, ngoài những môn quen thuộc, chúng tôi còn ghi tên học các môn MA I và MA II (Toán học thâm cứu). Thầy đã giao cho chúng tôi đọc các tài liệu rất mới Thầy mang từ Mỹ về như Đại số hàm, Đại số các hàm giải tích là các hướng nghiên cứu rất thời thượng lúc bấy giờ. Các năm sau đó cũng vậy, Thầy luôn luôn giới thiệu cho sinh viên những vấn đề rất mới, qua đó giúp cho những người làm Toán ở miền Nam được tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại. Mặt khác, với uy tín khoa học của Thầy và qua đông đảo bạn bè, Thày đã thành công trong việc mời nhiều nhà Toán học có uy tín trên thế giới tham dự các kỳ Hội thảo quốc tế do Thầy tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao vị thế của nền toán học Việt Nam trên thế giới và khu vực. Truyền thống sinh viên tham gia nghiên cứu sớm ngày nay vẫn còn được tiếp tục tại Khoa Toán-Tin học, các sinh viên giỏi khi ra trường đã có thể có một hay hai bài báo quốc tế.

3/ Bài học thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là cách xử thế tuyệt vời của Thầy. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án Tiên sĩ cấp Nhà nước, và đăc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuôc họp của Hội đông ngành Toán. Mặt khác, Thầy luôn luôn vun đắp và mở rông các mối quan hệ bạn bè. Từ tình bạn lâu đời với GS L. Knopoff ở UCLA, GS E. Hewitt ở Washington State University, hay GS D. Daykin ỡ Nanyang University, nay là ĐH Quốc gia Singgapore vào những năm 50, 60, đến các quan hệ bạn bè mới sau này như với các GS Alain Phạm, K. Smith, R. Gorenflo, …, Đối với họ, Thầy không chỉ là bạn bè mà còn là cộng tác viên trong những công trình nghiên cứu Toán học. Kể cả những người chỉ thoáng gặp qua Thầy như GS P. Cartier, cố GS M. Boujot, họ luôn giữ tình cảm trìu mến với Thầy nhiều năm sau này.

Trong nước, Thầy là một trong số ít nhà Toán học được giới Toán học cả hai miền quý mến. Từ cố GS Lê Văn Thiêm trước đây đến các GS Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu và sau này các GS Nguyễn Duy Tiến, Hà Huy Khoái, Trần Văn Nhung, Ngô Việt Trung và Nguyễn Hữu Việt Hưng, họ luôn nhắc đến Thầy với lòng quý trọng.  

Có lẽ để đạt được kết quả này, ở Thầy đã tỏa ra tinh thần thân ái bao la. Đây có thể do ảnh hưởng của Nho gia, mặc dù Thầy theo tân học. Nổi trội nhất trong ảnh hưởng của Nho giáo, qua cách xử thế của Thầy, có lẽ là Đạo Trung Dung. Thật vậy, ở Thầy, Đạo Trung Dung đã được thể hiện một cách tự nhiên và đúng mực nhất. Có lẽ nhờ vậy mà Thầy luôn luôn giữ được thăng bằng, thoát khỏi các cuộc mâu thuẫn kéo dài để có thể tập trung vào chuyên môn. Khi nói đến một con người, Thầy luôn nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp ở họ hơn là chỉ nhĩ đến điều xấu. Thầy hay nói “arsenic tuy là một chất độc, nhưng vẫn được dùng để chữa răng”.

4/ Bài học cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là nhân sinh quan lạc quan của Thầy. Có lẽ nhờ đó mà Thầy đã vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống đầu những năm 60 thế kỷ trước và năm 1975, khi Thầy có cơ hội xuất cảnh ra nước ngoài, nhưng đã chọn ở lại với đất nước, với học trò và đồng nghiệp. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà Thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80. Trong lúc điều kiện làm việc không thuận lợi, Thầy vẫn vui vẻ dạy học trò và hàng ngày lấy việc đi bộ ra chợ làm thú vui nho nhỏ. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình. Những năm gần đây, khi ngồi uống rượu vang với tôi, Thầy hay nói “mình ở đây sướng thật!”

Và có lẽ cũng với tinh thần lạc quan đó, Thầy đã lấy các buổi hòa nhạc, nhất là các buổi hòa nhạc của Câu lạc bộ Hoa sen để tô thêm nét đẹp cho các kỳ Hội nghị Quốc tế mà Thầy đứng ra tổ chức. Ở Thầy việc thổi sáo đã được nâng lên từ thú vui tao nhã thành một nghề chơi cũng lắm công phu.

Với phong cách làm việc và sống như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng kết ở tuổi 80, Thầy đã có hơn 120 bài báo, phần lớn đăng trên các tạp chí và kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, Thầy đã được mời đi thỉnh giảng từ Mỹ đến Châu Âu, Từ Nhật Bản đến một số nước Đông Nam Á. Bạn bè Thầy có ở khắp nơi và vẫn còn giữ liên lạc với Thầy. Cho đến gần đây, nhiều người vẫn sắp xếp đến dự các Hội nghị Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống riêng của Thầy cũng rất hạnh phúc. Thầy với Cô sống với nhau hơn 60 năm, qua cái tuổi mà người ta vẫn tổ chức “Đám cưới Vàng” và “Đám cưới Kim cương”. Thầy hay nhắc lại câu chuyện: khi Thầy nhận được bằng Ph.D ở CalTech thì Cô cũng nhận được bằng Ph.T (Put your husband through) trên đó có chữ ký của Thày. Thầy và Cô có năm người con thì ba người đã theo đuổi sự nghiệp Toán học. Cô con gái đầu và cô con gái út tuy theo ngành khác nhưng có chồng lại là những người làm Toán.

Tóm lại, có thể nói rằng Thầy là một Sĩ phu Bắc hà nhưng đã thành danh và hoàn danh ở Saigon-TP.Hồ Chí Minh.

Đến đây, tôi xin mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ để gửi tặng Thầy:

Nhà nước yên mà Sĩ được thung dung,

Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch,

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,

Tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn,

Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,

Đồ thích chí chất đầy trong một túi,

Măc ai hỏi măc ai không hỏi tới,

Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,

Này này Sĩ mới hoàn danh.

 

Thông Tin Toán Học, Tập 15 Số 03, Tháng 09 năm 2011

Hội Toán Học Việt Nam

 
 

Biểu tượng (logo) của Khoa Toán - Tin học đã được sử dụng từ trước năm 2013. Năm 2019 Khoa điều chỉnh nhỏ biểu tượng này và phát hành lại để thống nhất sử dụng.

Biểu tượng này được dùng chủ yếu để nhận diện và trang trí, thường được dùng kèm với biểu tượng của Trường.

Logo Math CS

Giải thích ý nghĩa biểu tượng:

  • Những khái niệm hình học đoạn thẳng, hình tròn đơn giản nhưng trừu tượng. Trừu tượng là đặc trưng quan trọng của Toán - Tin học.

  • Hai vòng tròn gắn kết của Toán và Tin học.

  • Tùy theo cách tưởng tượng có thể thấy hình chiếu của một hình trụ quay lên hay quay xuống - hiệu ứng đặc biệt này thể hiện trạng thái động. Trí tưởng tượng và tính động khích lệ sự sáng tạo.

  • Màu xanh của bầu trời tượng trưng sự vô hạn.

  • Vẽ bằng TeX, dùng font chữ riêng của TeX, một  đặc điểm của ngành Toán.

Ngày 8/4/2019

Trưởng Khoa Toán - Tin học

 

File nguồn dạng tex

Bản định dạng pdf

Bản định dạng svg

Bản định dạng png

Khoa Toán - Tin học
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Phòng F08-09, 227 Nguyễn Văn Cừ, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 73089899
Trang web: http://www.math.hcmus.edu.vn

Địa chỉ bằng tiếng Anh:

Faculty of Mathematics and Computer Science
University of Science
Vietnam National University - Ho Chi Minh City
Room F08-09, 227 Nguyen Van Cu, District 5, Ho Chi Minh City, Vietnam
Phone: (+84) (028) 73089899
Web: http://www.math.hcmus.edu.vn

 

Nguyễn Hữu Việt Hưng
(Bài nói tại Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc, Tp Hồ Chí Minh 25-28/11/2005)


Tôi biết anh Nguyễn Hữu Anh 31 năm về trước trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Tháng 10/1974, có một nhóm các nhà Toán học từ Pháp tới Hà Nội giảng về Lý thuyết Kỳ dị và Tai biến trong một tháng trời, bao gồm B. Malgrange, F. Phạm, A. Chenciner, và Lê Dũng Tráng. Để chuẩn bị cho hoạt động đó, cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã viết một bài dài trên báo Nhân Dân giới thiệu về lý thuyết này. Cần nói rõ rằng hồi đó Miền Bắc nước ta chưa có nhiều báo chí như bây giờ, và chỉ những bài chính thống vào bậc nhất mới được in trên báo Nhân Dân. Lúc ấy tôi đang học năm thứ tư trong khoá đào tạo thời đó gồm 4 năm rưỡi tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lũ 3 đứa lớp tôi gồm Đặng Hùng Thắng, Đào Kiến Quốc và tôi được Khoa Toán cho phép nghỉ học chính khoá suốt tháng 10 để đi nghe những bài giảng nói trên.

Ba người giảng chính là Malgrange, Phạm, và Chenciner nối tiếp nhau giảng bằng tiếng Pháp, mỗi người một giờ mỗi buổi sáng. Riêng Lê Dũng Tráng thỉnh thoảng bổ sung một bài giảng, anh cố gắng nói bằng tiếng Việt, dù lúc đó tiếng Việt của anh chưa được trôi chảy như về sau này. Người nghe ngồi chật cả một phòng lớn ở tầng 3 toà nhà chính ĐHBK Hà Nội. Lúc ấy, không mấy người nghe được tiếng Pháp, nên chúng tôi cần phiên dịch. Hai phiên dịch thay phiên nhau, một là GS Đoàn Quỳnh và người thứ hai còn rất trẻ và lạ, tên là Nguyễn Hữu Anh, tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ mới về nước, làm việc tại ĐHBK Hà Nội.

Anh Nguyễn Hữu Anh nói tiếng Pháp (và, như sau này tôi được biết, cả tiếng Anh nữa) rất trôi chảy với một ngữ điệu đẹp. Khó khăn mà anh ít nhiều gặp phải lúc bấy giờ chính là phần tiếng Việt, lý do là vì các nhà toán học ở hai miền nước ta trong một thời gian dài trước năm 1975 đã dùng những thuật ngữ toán học rất khác nhau. Chẳng hạn, Không gian tôpô (miền Bắc) cũng được kêu bằng Đồ hình vị tướng (miền Nam), Không gian tôpô compact địa phương là Đồ hình vị tướng áp súc cục bộ, Môđun được kêu bằng Gia quần, Môđun con là Tiểu gia quần... (Chữ này thật khó cho những người nói giọng Hà Nội như tôi.)

Sau tháng 10/1974, được khích lệ bởi loạt bài giảng nói trên, ở Hà Nội trong một thời gian dài có một xêmina do các giáo sư Đoàn Quỳnh, Hoàng Hữu Đường, Phạm Ngọc Thao, Phan Đức Chính, Nguyễn Hữu Anh... chủ trì. Xêmina làm về một số vấn đề hiện đại của toán học: Nhóm Lie và Đại số Lie, Lý thuyết biểu biễn, Hình học Riemann toàn cục, Lý thuyết Kỳ dị... Trong xêmina, tôi có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với anh Nguyễn Hữu Anh. Tôi được biết anh đã học đại học tại Sài gòn (1963-66), nơi anh chịu nhiều ảnh hưởng của GS Đặng Đình Áng, lấy bằng tiến sĩ tại University of California, Los Angeles (UCLA) (1967-69) dưới sự hướng dẫn của GS D. Babitt (ông này trong nhiều năm làm Tổng biên tập tạp chí Pacific Journal of Mathematics), rồi làm postdoct tại Princeton (1969-71) với GS Harish Chandra, sau đó anh tiếp tục làm postdoct một thời gian ở Queen’s University, Canada (1971-73) trước khi về nước năm 1974, lúc anh 29 tuổi.

Sinh viên ĐHBK Hà Nội hồi đó truyền tai nhau rằng thầy Nguyễn Hữu Anh thường gặm bánh mì ngay trong phòng thi, để hỏi thi thông tầm từ sáng đến tối. Rất nhiều sinh viên bị thầy đánh trượt.

GS Đặng Đình Áng và nhiều người từng ở Đại học Khoa học Sài gòn đánh giá anh Nguyễn Hữu Anh ngày xưa là sinh viên xuất sắc nhất của Khoa Toán đại học này trong suốt mấy chục năm. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở UCLA không phải anh Anh đã tham gia phản chiến ngay từ đầu. Nhưng dần dần, chính hệ thống truyền thông của nước Mỹ đem cuộc chiến tranh Việt Nam tới từng đầu giường ngủ đã đưa anh đến với phong trào phản chiến. Ngày ngày tivi Mỹ đặc tả những trận càn, xóm làng miền Nam Việt Nam tan hoang, lính Mỹ và lính Sài Gòn cứ chiều tối lại ôm càng trực thăng bỏ chạy... Thế rồi anh Anh xuống đường với phong trào phản chiến. Tôi đã thức nhiều đêm ở Berkeley để nghe một người bạn của anh trong phong trào sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, anh Đoàn Hồng Hải, kể về những năm tháng hào hùng của các anh.

Rời bỏ nước Mỹ, đất nước có mức sống rất cao và nền khoa học hàng đầu thế giới, để về Việt Nam, mà về Hà Nội khi đất nước còn chia cắt, chứ không phải Sài gòn, nơi anh sinh ra và lớn lên, anh Nguyễn Hữu Anh đã có những quyết định mà chắc chắn bất kì ai cũng không thể chọn lựa một cách dễ dàng. Tôi thấy anh Nguyễn Hữu Anh có một cuộc đời không bằng lặng. Vậy mà anh dường như không có gì phải dằn vặt, lúc nào cũng hồn nhiên, hồ hởi, chân thành. Anh như một ngọn nến bình thản cháy mà tôi và nhiều bạn bè cùng thế hệ thường nhìn vào để bình tâm lại mỗi khi chúng tôi phải vật lộn với những sự chọn lựa.

Khi còn sống độc thân ở ĐHBK Hà Nội, anh Nguyễn Hữu Anh được phân căn gác lửng ở tầng một-rưỡi một toà nhà gần sân vận động của trường (Đông Dương học xá cũ). Đó là căn gác rộng chừng 8-9 mét vuông, ở chiếu nghỉ cầu thang nằm giữa tầng một và tầng hai. Một vài lần tôi đã tới thăm anh ở căn gác đó. Nhưng khi ấy tôi chưa biết ở những nước phát triển thì người ta thường sống trong những chỗ như thế nào, cho nên tôi cũng không biết rằng sống như thế là bình thường hay là phi thường. Chính trong căn gác đó, anh Nguyễn Hữu Anh đã viết bài báo mà sau này được in trên Annals of Mathematics. Đó là tạp chí toán học số 1 trên thế giới. Và bài báo của anh Nguyễn Hữu Anh cho tới nay vẫn là bài duy nhất của một người Việt viết trong lúc đang sống và làm toán trong nước, được in trên Annals. (Có một thực tế là tạp chí này thường ít khi đăng bài của những người chưa từng ở Princeton và không có quan hệ chuyên môn khăng khít với một giáo sư nào có thế lực ở đó.) Chúng ta đã có dịp bàn về chất lượng và số lượng trong khoa học. Chỉ xin nhắc lại một sự thật hiển nhiên là chất lượng chứ không phải số lượng của các công trình chính là cái tạo nên đẳng cấp của một nhà toán học, và rộng ra, tạo nên diện mạo của một nền toán học. Hãy tự hỏi lòng mình xem nếu được quyền chọn lựa giữa một bên là làm tác giả của một trong những bài thơ như Hoàng hạc lâu (Thôi Hiệu), hay Đề đô thành Nam trang (Thôi Hộ), hay Phong kiều dạ bạc (Trương Kế) với một bên là làm tác giả của cả một tập thơ dày cộp vẫn thường được in ra sau những cuộc thi thơ gần đây thì ta sẽ chọn cái gi.

Năm 1978, anh Nguyễn Hữu Anh cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn. Trong nhiều năm anh làm Chủ nhiệm Bộ môn Đại số, Chủ nhiệm khoa Toán ĐHKH thành phố Hồ Chí Minh, và hiện nay là Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi tin rằng một người có trình độ cao, hiểu biết tường tận về lối đào tạo theo chứng chỉ của Mỹ và có quan hệ quốc tế rộng rãi như anh Nguyễn Hữu Anh nếu được đặt vào cương vị Hiệu trưởng sẽ rất có lợi cho trường đại học ấy.

Trong những năm 1980, anh nhiều lần được đồng nghiệp mời sang Mỹ trao đổi khoa học. Lúc đầu thì phía Việt Nam không cho anh đi, nguyên do là vì anh có một bà chị di tản sang Mỹ. Về sau, khi phía Việt Nam cho anh đi thì phía Mỹ lại không cấp visa, bởi vì họ vẫn còn “ghi sổ đen” những hoạt động phản chiến của anh. Mãi sau này, nhờ có một Thượng nghị sĩ Mỹ can thiệp, anh mới có những chuyến trở lại trao đổi khoa học với các đồng nghiệp Mỹ.

Nhân những lúc trà dư tửu hậu mà chuyện phiếm, một số anh em ở ĐHTH Hà Nội (cũ) chúng tôi thường ví các nhà toán học với rượu, một sự so sánh đầy kiêu hãnh. Rượu là thứ thú vị bậc nhất trên đời này. Đó là sự pha trộn không biên giới của nước và lửa, của ngọt ngào và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. Trong ví von đó, các nhà toán học Việt Nam chủ yếu thuộc về hai dòng: Toán học Quốc doanh và Toán học Quốc lủi. Rượu Quốc doanh do nhà nước sản xuất, có tính “chính thống”, với nhãn mác qui chuẩn; còn rượu Quốc lủi (dân Miền Nam gọi là rượu đế) do nhân dân nấu trộm, nên nó “dân dã”, và cũng vô danh như nhân dân vậy. Chữ Quốc lủi còn đồng âm với Cuốc lủi, tên một loài chim đầy nỗi niềm thường lẩn trốn rất nhanh. (“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.” – Bà Huyện Thanh Quan). Đáng tiếc là ngày nay các nhà toán học quãng dưới 40 tuổi nói chung không còn hiểu nghĩa các chữ Quốc doanh và Quốc lủi cùng hoàn cảnh ra đời của những khái niệm này.

Mấy anh em dòng Toán học Quốc lủi chúng tôi mạn phép cho rằng anh Nguyễn Hữu Anh cũng thuộc dòng toán học này. Không biết anh Anh có chia xẻ ý tưởng này và lượng thứ cho sự tếu táo của chúng tôi hay không?

Mới đó mà anh Anh đã 60 tuổi. (Anh sinh ngày 7/4/1945.) Dạo đầu năm, tôi nghĩ rằng trong năm nay tôi sẽ không có đủ thời gian để viết về những kỉ niệm với anh. Tôi tự an ủi là tôi đã có một bài báo với lời mừng thọ anh in trên Transactions Amer. Math. Soc. 357 (2005), 4065-4089.

Năm nay tôi bận và mệt quá, vì phải làm nhà. Hơn 50 tuổi mà còn để vợ con phải sống trong một căn nhà cấp 4, tôi tự thấy mình có tội. Trong câu thơ Xuân Sách viết về Hữu Loan, tác giả của “Màu tím hoa sim”: “Cho đến khi tóc bạc da mồi / Chưa làm được nhà, còn bận làm người” tôi như thấy có một phần cuộc đời mình. Nhưng khi năm 2005 sắp hết, tôi tự thấy không thể yên lòng nếu không viết bài này.

Anh Nguyễn Hữu Anh là một người sành ăn và sành rượu vang. Khổ một nỗi, ngày nay ở nước ta các thứ vang nổi tiếng, như Bordeaux chẳng hạn, thường bị làm giả. Anh Anh có lần nói đùa: “Khi các em mang rượu vang ra thì phải sờ đít ngay, đít bằng thì dỏm đít lõm thì nghiêm” Đó là cái đít chai rượu. Nhưng ngay cả cách chọn rượu rất tài hoa đó cũng nhiều khi không giúp người ta tránh được rượu rởm. Vì thế mà một năm đôi lần anh Nguyễn Hữu Anh và tôi gặp nhau, chúng tôi thường tránh những loại vang đã được xem là có mác chuẩn, mà dùng vang California, vang Chilê... Những thứ vang quê kệch này còn vô danh, cho nên không bị làm giả. Anh Anh còn nhớ cái chai vang đỏ Chilê mà anh em mình uống ở quán Hot Rock không? Đậm chát vị nắng Chilê dân dã phải không anh?

Hà Nội, mùa nắng hanh 2005

Nguyễn Hữu Việt Hưng