Tổ chức
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổ chức
- Lượt xem: 11744
Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM được thành lập theo quyết định số 3818/GD-ĐT ngày 13/12/1994 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên Bộ môn Tin học thuộc Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Dưới đây là Quyết định ngày 14/4/1995 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM điều động cán bộ từ Khoa Toán sang thành lập Khoa Công nghệ thông tin.
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổ chức
- Lượt xem: 11833
Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển Khoa Toán - Tin học
Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa Toán - Tin học được xây dựng từ năm 2008. Trong thời gian qua Quỹ đã nhận tài trợ của một số đơn vị và cá nhân, duy trì trao học bổng cho sinh viên hàng năm.
Tháng 4/2019 Ban chủ nhiệm Khoa Toán - Tin học điều chỉnh một số chi tiết trong quy chế tổ chức hoạt động của Quỹ.
I. Những qui định chung
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này quy định việc tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển Khoa Toán - Tin học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Mục đích và đối tượng áp dụng
Quỹ được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác của cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa, cấp học bổng cho sinh viên vượt khó và hỗ trợ Khoa Toán - Tin học phát triển. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
1. Quỹ là một tổ chức tài chính thuộc Khoa Toán - Tin học.
2. Quỹ chịu sự quản lý của Ban điều hành Quỹ.
3. Ban điều hành Quỹ do Trưởng Khoa Toán - Tin học bổ nhiệm và bãi nhiệm, hoạt động như một tổ công tác của Khoa Toán - Tin học, không nhận thù lao từ Quỹ.
II. Tổ chức nhân sự của Quỹ
Điều 4. Ban điều hành Quỹ
Ban điều hành Quỹ gồm đại diện Ban chủ nhiệm Khoa và đại diện Công đoàn Khoa.
Điều 5. Nhà tài trợ của Quỹ
Nhà tài trợ của Quỹ gồm các thành viên là cá nhân, tổ chức trong và ngoài Khoa tự nguyện tham gia đóng góp cho Quỹ.
III. Hoạt động của Quỹ
Điều 6. Học bổng "Sinh viên vượt khó"
Đây là một trong các hoạt động chính của Quỹ. Số lượng, tiêu chí, mức học bổng do Ban điều hành Quỹ đề ra, qua trao đổi với nguyện vọng của nhà tài trợ nếu cần thiết.
Điều 7. Các hoạt động vì sự phát triển của Khoa Toán - Tin học
1. Các hoạt động vì mục đích duy trì, phát huy những truyền thống tốt đẹp, và phát triển Khoa Toán - Tin học, như: hỗ trợ hội thảo khoa học, xây dựng và duy trì các phòng thí nghiệm nghiên cứu, hỗ trợ giảng dạy học tập phục vụ cộng đồng, hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, ...
2. Quỹ chọn hoạt động để tài trợ thông qua thống nhất với mong muốn của nhà tài trợ.
IV. Phương thức tổ chức Quỹ
Điều 8. Quỹ hoạt động minh bạch và công khai
1. Quỹ sử dụng tài khoản của Trường ĐH KHTN TPHCM, do Phòng Kế hoạch-Tài chính của Trường quản lý.
2. Quỹ không có chức năng quản lý đầu tư sinh lợi. Trong trường hợp nhà tài trợ mong muốn số tiền tài trợ được gởi tiết kiệm lấy lãi phục vụ mục đích của Quỹ thì Quỹ thảo luận với nhà tài trợ và Phòng Kế hoạch-Tài chính của Trường để có giải pháp kỹ thuật phù hợp.
3. Hoạt động của Quỹ phải được báo cáo khi có yêu cầu từ Ban chủ nhiệm Khoa Toán-Tin học và được báo cáo định kì hàng năm cho toàn thể cán bộ viên chức Khoa.
4. Quỹ có trang web công khai, chính thức thuộc hệ thống trang web của Khoa, công bố nhân sự và thu chi của Quỹ hàng năm.
Điều 9. Cơ chế báo cáo
1. Báo cáo thường xuyên: Hoạt động của Quỹ được báo cáo như là một phần hoạt động của Khoa Toán - Tin học vào các kì tổng kết của Khoa, thường vào tháng 7 và tháng 12.
2. Báo cáo không thường xuyên: Khi Quỹ có giao dịch thủ quỹ báo cho các thành viên trong Ban điều hành quỹ.
3. Báo cáo đến nhà tài trợ: Nếu nhà tài trợ yêu cầu thì Ban điều hành Quỹ thông báo cho nhà tài trợ khi tiền tài trợ được sử dụng.
4. Công bố thông tin: Những thông tin sau được thông báo trên trang web của Khoa Toán - Tin học:
-
Thông tin nhà tài trợ, số tiền tài trợ, thời điểm báo có trong tài khoản, mục đích tài trợ. Nhà tài trợ có thể yêu cầu ẩn danh.
-
Thông tin về các hoạt động của Quỹ.
-
Tổng số tiền có trong Quỹ.
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổ chức
- Lượt xem: 40684
Tháng 3/2021 Khoa Toán - Tin học đang có 61 viên chức - người lao động đang làm việc, do Khoa trực tiếp quản lý, trong đó có các giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên. Cán bộ chuyên môn của Khoa được phân về 8 bộ môn. Các đơn vị của Khoa hiện đều có văn phòng nằm ở cơ sở 227 Nguyễn Văn Cừ, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.
Khoa thường xuyên nhận hồ sơ xét tuyển dụng giảng viên mới. Người quan tâm có thể liên hệ Ban chủ nhiệm khoa. Có thể tham khảo một thông báo tuyển dụng trước đây.
Ban chủ nhiệm khoa
Phòng F09
- Trưởng khoa: PGS.TS. Mai Hoàng Biên
- Phó trưởng khoa: TS. Hoàng Văn Hà
- Phó trưởng khoa: ThS. Võ Đức Cẩm Hải
Văn phòng khoa
Phòng F08-F09
- Thư kí khoa: Dương Tấn Tài
- Giáo vụ khoa: Nguyễn Xuân Kim Hoàng
- Trợ lý sinh viên: Nguyễn Thanh Duy
- Trợ lý khoa: Nguyễn Ngọc Hoàng Anh
Các bộ môn
Khoa có 7 bộ môn.
Bộ môn Cơ học
Phòng F11
- Trưởng bộ môn: TS. Vũ Đỗ Huy Cường
Bộ môn Đại số
Phòng F210
- Trưởng bộ môn: PGS.TS. Mai Hoàng Biên
- Phó Trưởng bộ môn: TS. Lê Văn Luyện
Bộ môn Giải tích
Phòng E201
- Trưởng bộ môn: PGS. TS. Lý Kim Hà
- Phó Trưởng bộ môn: TS. Ông Thanh Hải
Bộ môn Giáo dục Toán học
Phòng F206
- Trưởng bộ môn: TS. Tạ Thị Nguyệt Nga
Bộ môn Tối ưu và hệ thống
Phòng F13
- Trưởng bộ môn: PGS.TS. Nguyễn Lê Hoàng Anh
Bộ môn Ứng dụng tin học
Phòng E202
- Trưởng bộ môn: TS. Nguyễn Thanh Bình
- Phó Trưởng bộ môn: ThS. Hà Văn Thảo
Bộ môn Xác suất Thống kê
Phòng F12
- Trưởng bộ môn: GS.TS. Đặng Đức Trọng
- Phó trưởng bộ môn: TS. Nguyễn Thị Mộng Ngọc
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổ chức
- Lượt xem: 12289
I. Nhân sự
Bộ môn Đại số hiện có 14 thành viên: 1 giáo sư, 10 tiến sĩ , 3 thạc sĩ.
1. Bùi Xuân Hải, GS. TS., Trưởng Bộ môn
2. Lê Văn Hợp, TS., Phó trưởng Bộ môn
3. Trần Ngọc Hội, TS.
4. Nguyễn Văn Thìn, TS.
5. Trịnh Thanh Đèo, TS.
6. Lê Văn Luyện, TS.
7. Nguyễn Anh Thi, TS.
8. Bùi Anh Tuấn, TS.
9. Nguyễn Hữu Trí Nhật, Th.S (NCS)
10. Phạm Thế Nhân, Th.S
11. Nguyễn Kim Ngọc, Th.S (NCS)
12. Nguyễn Ngọc Ái Vân, TS. (đang ở nước ngoài)
13. Phan Thanh Toàn, TS. (đang ở nước ngoài)
14. Nguyễn Khánh Tùng, TS. (đang ở nước ngoài).
II . Đào tạo cao học
Bộ môn bắt đầu đào tạo sau đại học từ năm 1993. Hàng năm có thể nhận đào tạo khoảng từ 10 - 15 học viên. Số học viên cụ thể của từng khóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chỉ tiêu trường giao, số thí sinh dự thi, điểm chuẩn của trường. Cũng có những năm có nhiều thí sinh dự thi và sau đó trúng tuyển khá đông. Ví dụ, khóa 24 (2014-2016) hiện có tới 22 học viên. Trong trường hợp đặc biệt như vậy, bộ môn vẫn đảm nhận việc đào tạo bình thường bằng cách mời thêm cán bộ ngoài bộ môn tham gia hướng dẫn học viên làm luận văn tốt nghiệp.
III. Nghiên cứu sinh
1. Trong nước:
- Nguyễn Văn Thìn
Đề tài: Nhóm con trong nhóm tuyến tính trên vành chia.
Người hướng dẫn: PGS. TS. Bùi Xuân Hải.
Năm bảo vệ: 2009. - Trịnh Thanh Đèo
Đề tài: Một số nhóm tuyến tính trên vành chia.
Người hướng dẫn: PGS. TS. Bùi Xuân Hải.
Năm bảo vệ: 2012. - Nguyễn Minh Trí (từ 2013, theo chương trình 911)
Đề tài: Biến đổi iđêan và đối đồng điều địa phương suy rộng theo một cặp iđêan
Tập thể hướng dẫn: - PGS. TS. Trần Tuấn Nam (hướng dẫn chính)
- TS. Nguyễn Viết Đông (hướng dẫn phụ) - Nguyễn Thành Nam (từ 2014, theo chương trình 911)
Đề tài: Một số lớp môđun đối xoắn và lý thuyết đối xoắn
Tập thể hướng dẫn: - TS. Nguyễn Viết Đông (hướng dẫn chính)
- PGS. TS. Trần Tuấn Nam (hướng dẫn phụ) - Nguyễn Kim Ngọc (từ 2014)
Đề tài: Các nhóm con tự do trong vành chia
Người hướng dẫn: GS. TS. Bùi Xuân Hải - Trương Hữu Dũng (từ 2014)
Đề tài: Các nhóm con nhân thỏa một số điều kiện hữu hạn trong vành chia
Người hướng dẫn: GS. TS. Bùi Xuân Hải
2. Nước ngoài:
Một số cán bộ trẻ hoặc cựu học viên cao học của bộ môn đã nhận được học bổng đi làm NCS ở nước ngoài. Dưới đây là một danh sách không đầy đủ những người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nước ngoài:
- Lê Thiên Tùng, Wayne State University, USA.
- Nguyễn Phúc Sơn, Wayne State University, USA.
- Tống Viết Phi Hùng, Birmingham University, UK.
- Lê Triệu Phong, Tokyo Institute of Technology, Japan.
- Phan Thanh Toàn, Pohang University of Sciences and Technology, South Korea.
- Ngô Võ Nhâm, New Mexico State University, USA.
- Nguyễn Ngọc Ái Vân, Ottawa University, Canada
- Lê Văn Luyện, NUI Galway, Ireland
- Bùi Anh Tuấn, NUI Galway, Ireland
- Nguyễn Anh Thi, Chonnam National University, South Korea
- Mai Hoàng Biên, University of Padova
- Nguyễn Khánh Tùng, University of Padova
IV. Các hướng nghiên cứu chính
1. Lý thuyết nhóm; đại số kết hợp: GS.TS. Bùi Xuân Hải, TS. Trần Ngọc Hội, TS. Nguyễn Văn Thìn, TS. Trịnh Thanh Đèo.
- Nhóm tuyến tính trên vành.
- Mô tả cấu trúc của các nhóm con trung gian của nhóm tuyến tính chứa một nhóm con cho trước.
- Nghiên cứu tính chất của một số cấu trúc đại số kết hợp như đại số chia, PI đại số, đại số đường đi Leavitt.
2. Đại số đồng điều: TS. Nguyễn Viết Đông.
- Đại số đồng điều: Ứng dụng các hàm tử Hom, Tensor,Tor,Ext trong nghiên cứu về vành, module. Đặc biệt quan tâm đến chiều đồng điều của module.
- Đối đồng điều của nhóm: Sử dụng công cụ dãy phổ của mở rộng nhóm để tính đối đồng điều của một số nhóm.
- Bất biến modular : Nghiên cứu bất biến của đại số dưới tác đông của nhóm Weyl.
- Xem xét tính chất của đối đồng điều kỳ dị của không gian tôpô.
- Một số phương pháp tính toán dùng giải quyết các bài toán trong tô pô đại số.
3. Đại số tính toán và tô pô đại số tính toán: TS. Lê Văn Luyện, TS. Bùi Anh Tuấn
- Tính toán trên các đối tượng đại số.
- Sử dụng đại số trong lý thuyết mật mã.
- Tính toán các đối tượng của tô pô đại số phục vụ việc ứng dụng vào các ngành khoa học khác nhau như: phân tích dữ liệu, point clouds, di truyền, network, nhận dạng ảnh,…
4. Đại số và hình học tổ hợp: TS. Nguyễn Anh Thi
- Sự sắp xếp các không gian con.
- Polytopes, matroids.
V. Hợp tác
Bộ môn.có mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu với các cán bộ của các viện và trường trong và ngoài nước:
- Viện Toán Hà Nội.
- Viện Toán Renye, Hungary.
- Đại học Tổng hợp St. Peterburg, Liên bang Nga.
- Đại học Paris 6
- Trung tâm Toán học và ứng dụng, Đại học Quốc gia Úc.
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổ chức
- Lượt xem: 10852
Hoàng Lê Minh, người đoạt huy chương vàng toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam, không tiếc khi từ bỏ con đường toán lý thuyết, vì những gì anh có ngày hôm này là nhờ tư duy toán học và nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Hoàng Lê Minh sinh năm 1957 tại Hà Nội. Hiện anh đang làm Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. Viện này mới thành lập 5 năm, nhằm giúp Bộ nghiên cứu triển khai các chiến lược, chính sách, dự án phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm.
Thuở nhỏ, cậu bé Minh được hướng vào nhạc viện, vì khi đó cả mẹ và chị gái Minh đều làm trong đoàn ca nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam. Minh học nhạc Accordeon 4 năm. Niềm đam mê ca nhạc bắt đầu trỗi dậy, thì năm 1970, bố Minh là ông Hoàng Xuân Tùy, lúc này là Thứ trưởng Bộ Đại học, từng là Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1961-1966 gửi Minh học lớp toán do thầy Tôn Thân phụ trách.
"Theo sự sắp xếp của bố mẹ, tôi thi vào lớp chuyên toán của thầy Tôn Thân, trường Trưng Vương. Lúc đó, tôi không hề có năng khiếu về môn học này và cũng chưa hề thích toán, thậm chí còn thờ ơ với nó, còn nhỏ nên tôi chỉ biết nghe lời bố mẹ", Minh nói.
Nhưng sau vài tuần, Minh thay đổi hoàn toàn suy nghĩ trên. "Thầy Tôn Thân có cách dạy truyền cảm hứng để tôi và các bạn có niềm say mê với môn học, tôi thấy toán học thật thú vị".
Minh thích nhất là mỗi lần thầy ra đề khó, bạn nào tìm ra lời giải hay nhất sẽ được thầy thưởng quà và cả lớp đứng dậy vỗ tay như khi xem nghệ sĩ biểu diễn. "Tình yêu toán học trong tôi bắt đầu từ đây, đúng hơn là từ thầy Tôn Thân".
Sau khi tốt nghiệp, Minh thi khối chuyên toán, Đại học quốc gia Hà Nội. Năm 1972, vì điều kiện chiến tranh, Minh và các bạn trong lớp sơ tán lên huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đó là những ngày thật sự khó khăn, anh và các bạn trong lớp học nhờ nhà dân, trong đình chùa, cơm chỉ có cơm độn và rau rừng. Năm 1974, Minh được chọn tham dự kỳ thi toán Olympic quốc tế tại Đức.
Hoàng Lê Minh nói, cả đời anh cũng không thể quên được những hình ảnh năm đó. Trong thời gian chuẩn bị đi thi, đội tuyển toán được Bộ trưởng giáo dục Tạ Quang Bửu chăm sóc và kể cho nghe về những nhà khoa học nổi tiếng, như một cách truyền cảm hứng.
Lúc bước vào phòng thi, lần đầu tiên ngồi trong phòng mới mẻ với người xa lạ không chung ngôn ngữ, môi trường lạ lẫm, Minh ban đầu thấy run sợ, nhưng sau đó anh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và trở thành người Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng. Khi đó anh 17 tuổi.
"Lần đầu tiên đoàn thi toán của Việt Nam tham gia Olympic, mà đạt nhiều huy chương, thành tích vượt xa cả nước phát triển như Mỹ. Tôi thấy tự hào vì Việt Nam không hề kém các bạn bè năm châu. Chính điều này tạo hiệu ứng tích cực trong ngành giáo dục thi đua học tập suốt thời gian dài".
"Cho đến bây giờ tôi vẫn lưu giữ khoảnh khắc vui sướng đó, con cái tôi cũng luôn nhìn vào tôi để có bước đệm trong học tập", ông Minh kể.
Chiếc huy chương vàng mà Hoàng Lê Minh mang về đã mở đầu một thời kỳ huy hoàng của toán học Việt Nam trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Một trong những đỉnh cao sau này được lập nên bởi Lê Bá Khánh Trình, người vừa giành huy chương vàng vừa giành giải đặc biệt của mùa thi năm 1979.
Tự tin với toán ứng dụng
Sau khi đoạt huy chương vàng, Hoàng Lê Minh sang Liên Xô học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov. Tiếp đó, anh làm nghiên cứu sinh, tham gia công tác với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng và đạt nhiều kết quả. Lương khi đó của Minh quy ra tương đương hơn 2.000 USD mỗi tháng.
Năm 1991, anh cùng gia đình quyết định trở về Việt Nam. Anh không chọn Hà Nội nơi anh sinh ra mà anh đến TP HCM để định cư và nơi làm việc, tại khoa toán, Đại học Tổng hợp TP HCM. "Cha mẹ tôi lúc đó đã cao tuổi, mặt khác ở TP HCM, các trường đại học mở ra khoa công nghệ thông tin, tôi thấy về nước sẽ phát huy khả năng của bản thân".
Năm 1995, Đại học tổng hợp TP HCM thành lập khoa công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia, khoa toán thành lập bộ môn ứng dụng tin học, nghiên cứu vấn đề giải thuật, xử lý ảnh, tính toán mạng lưới.
Hoàng Lê Minh khi đó tham gia dự án Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP HCM. Năm 2001, anh sang làm Sở Bưu chính Viễn thông. Năm 2003, anh làm cho Sở Khoa học công nghệ. "Tôi thay đổi 5 đến 6 công việc, xét đến cùng vẫn là theo công nghệ thông tin", anh Minh nói.
Cuối 2007, anh ra Hà Nội làm Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. "Tôi ra Hà Nội trong tay không có gì, chỉ có giấy quyết định của Bộ. Tôi phải tự tìm đội ngũ cán bộ, đưa ra cơ chế hoạt động, gây dựng mối quan hệ làm việc".
"Cũng hình như tôi có duyên nợ gì với Hà Nội thì phải", Minh nói.
Nói về lý do chuyển từ toán lý thuyết sang ứng dụng trong công nghệ thông tin, Hoàng Lê Minh cho biết, thời điểm anh tham gia giảng dạy trong phạm vi hẹp, chỉ 10 đến 15 người học tập, nên cảm thấy rất lãng phí khi phải mất nhiều thời gian để soạn giáo trình và đào tạo rất ít người. "Trong khi trào lưu công nghệ thông tin đang phát triển mạnh, tôi thấy mình đủ khả năng trong lĩnh vực đó, nên không còn lý do gì để tiếp tục làm toán lý thuyết".
Mặt khác, theo Minh, làm toán lý thuyết không đơn giản, cần hội tụ nhiều yếu tố về thầy, cơ sở vật chất, nhưng Việt Nam khi đó chưa có điều kiện. Vì thế anh theo đuổi lĩnh vực ứng dụng.
"Quan trọng khi làm toán ứng dụng tôi thấy tự tin và không thua kém ai trong và ngoài nước. Còn khi làm toán lý thuyết, nhất là thời kỳ nước ngoài tôi thấy mình thua kém hơn người ta rất nhiều. Nếu làm khoa học mà không giúp gì cho đất nước thì tôi làm làm gì?".
Hoàng Lê Minh buồn khi nhiều người nói "thế hệ vàng toán học" trước kia ngày nay hình như đang "ẩn dật" mà không có nhiều đóng góp nổi trội cho đất nước. "Chúng tôi vẫn đang hằng ngày cống hiến sức mình cho đất nước. Không nhất thiết cứ có huy chương toán học thì phải nổi tiếng hay chức cao vọng trọng".
"Mọi người đừng quá coi trọng thành tích. Tôi hài lòng và thấy hạnh phúc với những gì mình làm được ngày hôm nay, tôi thấy học toán không bao giờ là lãng phí", ông Minh nói thêm.