Tin mới

Những ngày giữa tháng ba này nhiều người trong giới toán học TP.HCM đón nhận một tin vui: GS Đặng Đình Áng tròn 80 tuổi! Thật đáng vui mừng vì thầy Áng vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn tự chạy xe máy, tiếp tục làm toán và thổi sáo, rất hăng say với công việc, như một dòng sông lúc sắp đổ ra biển: chảy càng mạnh càng rộng lớn ra và càng mang nặng phù sa.

GS Đặng Đình Áng là người đã đóng góp đúng 46 năm liền không mệt mỏi cho ngành toán học nước nhà, không chỉ căn cứ trên 130 bài báo về nhiều đề tài nghiên cứu trong toán học đăng trên các tạp chí quốc tế và nhiều đầu sách chuyên đề, trong đó có một chuyên đề được xuất bản bởi NXB nổi tiếng Pringer (CHLB Đức), mà còn ở ý nghĩa GS là người được giới toán học thế giới công nhận như một nhà toán học uy tín của VN trong chuyên ngành của mình.

GS Đặng Đình Áng đã từng là khách mời phát biểu ở nhiều hội nghị quốc tế, là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Utah (Mỹ), ĐH Paris, ĐH Orléans (Pháp), Viện nghiên cứu Mauro Picone (Roma), từng được học bổng DFG (Deutsche Forschungsgesellschaft) của Đức làm việc tại Berlin, một học bổng nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu nổi tiếng; học bổng nghiên cứu tại ĐH Tokyo;

GS còn là người kết nối VN với năm châu, hướng dẫn và cùng hướng dẫn chung với các GS nước ngoài cho nghiên cứu sinh VN; và qua GS Áng, nhiều GS nước ngoài đã tham dự các hội nghị toán học tại VN; GS đã đào tạo được rất nhiều nghiên cứu sinh thành đạt đang làm việc trong và ngoài nước (trong đó có ba người con của ông).

Người đầu tiên đưa toán học hiện đại vào miền Nam

Nhìn lại nền toán học non trẻ VN những năm 1960; ở miền Nam có thể nói nó mới manh nha cũng vào lúc GS Áng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Hoa Kỳ về nước, được giao ngay trọng trách làm trưởng khoa toán của ĐH Khoa học Sài Gòn khi mới 34 tuổi (1960), vào lúc đại học đang cần chuyển ngữ và chuyển quyền.

Ngày ấy, chứng chỉ toán đại cương là cái cửa ải “rùng rợn” nhất đối với hàng trăm SV mới, bởi mỗi năm chỉ có vài người lọt qua được! GS Áng đã giúp thay đổi tình hình thi “thách đố” đó, đưa nó về tình trạng bình thường. GS cũng là người đầu tiên đã mang toán học hiện đại vào miền Nam như một luồng gió mới, đào tạo ngay những lớp toán học hiện đại đầu tiên cho SV khoa toán và sư phạm.

Toán học phía Nam đã nhanh chóng có tính chất hiện đại của thế giới, lan dần ra như một đốm lửa nhóm lên xung quanh GS Áng và các học trò. Các SV của GS sau khi tốt nghiệp, khi ra nước ngoài tiếp tục học không bị bỡ ngỡ. Mặt bằng trình độ cũng được nâng cao bằng chứng chỉ toán thâm cứu nhằm đưa SV sau cử nhân đến gần với nghiên cứu và sáng tạo.

Từ đó, có những SV trước khi lên đường du học đã có những bài nghiên cứu đầu tay được đăng trên báo nước ngoài hoặc nhờ đó mà tìm được học bổng du học. “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất.

Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác” và “Tôi rất thích học, học từ thời Pháp, rồi thời gian vào Sài Gòn, lúc ở Trường CalTech, về đây vẫn tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước” - GS khiêm tốn nói. Đó chính là tinh thần kết hợp giảng dạy và nghiên cứu của nhà cải cách đại học Đức Wilhelm Humboldt đầu thế kỷ 19.

Sau 30-4-1975, GS đã chọn con đường ở lại đất nước để tiếp tục đóng góp cho ngành toán học TP.HCM và đào tạo các lớp SV trẻ có năng khiếu, một quyết định cũng không phải là đương nhiên đối với một nhà khoa học được đào tạo theo Tây học từ nhỏ, từng du học, từng sống và từng được mời ở lại nước ngoài giảng dạy.

Ông được Nhà nước phong GS trong đợt phong học hàm đầu tiên sau giải phóng (năm 1980). “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, có rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người VN ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”.

Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt.

GS Đặng Đình Áng

 
 

Âm nhạc và toán học

 “Mỗi lần về thăm làng, tôi lại ra tắm ở cái hồ lớn rồi nhìn về núi Trầm và lại nhớ da diết những ngày còn bé, tôi cùng anh (Đặng Đình) Hưng thường ra đó. Chúng tôi cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ. Về sau, tôi thường tự hỏi: có phải chính ngọn núi này đã khơi gợi cho anh em tôi những khát vọng trong đời?”.

 “Tôi mê sáo tre từ nhỏ, sang Mỹ thì mua được cây sáo bạc. Âm nhạc có tác dụng rất quan trọng với việc học tập và nghiên cứu toán của tôi. Cũng như âm nhạc, toán là một nghệ thuật”.

Hai câu ấy của GS cho thấy ông đã có một khao khát trong nội tâm từ thuở nhỏ mà ngọn núi Trầm chỉ là cái biểu lộ bên ngoài và cũng là để đánh thức thêm sự định hướng bên trong; còn tiếng sáo tre đánh thức cái sở thích âm nhạc đã tiềm tàng trong GS (ông là chú ruột của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn).

Người ta thường thấy GS với chiếc sáo bạc, cũng giống như người ta thường thấy Einstein với cây đàn vĩ cầm, ngay cả khi vào họp trong viện hàn lâm. “Chơi nhạc là một cách thiền - GS nói - Âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển, như một phép dưỡng sinh giúp tôi thấy thanh thản, tĩnh tâm, yêu đời”. Nhạc của Mozart, như một nhà khoa học Đức nói, “đẹp và tinh khiết” đến độ có thể được xem như “vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ”. Đó cũng là âm nhạc GS Đặng Đình Áng thích nhất.

Âm nhạc cộng với sở thích văn học của GS, đó là mảnh đất văn hóa đem lại sức sống và nuôi dưỡng sự sáng tạo, làm cho GS tuy tuổi cao nhưng không già, tuy tóc bạc nhưng tâm hồn vẫn xanh tươi, những ngọn sóng của tư duy và cảm hứng yêu đời vẫn dạt dào trong trái tim như xuất phát từ một đại dương không bờ.  

Triết lý sống của GS Đặng Đình Áng là nhân hậu, vị tha, có trước có sau, là thương yêu xã hội, thương yêu con người. “Phải có tình thương mới làm được việc lớn”. Lời khuyên của GS đối với thanh niên trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thật sự”.

Hãy xem căn phòng đơn sơ cũ kỹ của ông ở số 162 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM. Hạnh phúc của GS không nằm ở vật chất mà ở thế giới tinh thần, ở lao động say mê, ở âm nhạc, ở sự hài hòa với vũ trụ, với xã hội, ở mỗi ngày học hỏi thêm và đào tạo học trò.

GS chỉ sống với “đạo làm người”, muốn gieo nhiều cái tốt, cái thiện và tránh cái xấu, cái dữ. Nhưng có lẽ nói như Einstein: “Trong xã hội nhuốm màu vật chất chủ nghĩa phổ biến thì những người nghiên cứu (khoa học) nghiêm túc là những người duy nhất có tín ngưỡng sâu xa”. Họ như những người đi tìm cái “đạo” trong thế giới khoa học.

Tháng 12-2006 sẽ có một hội nghị toán học quốc tế tại TP.HCM để mừng GS Đặng Đình Áng 80 tuổi. Chắc chắn người ta sẽ lại thấy GS với chiếc sáo bạc tại hội nghị. Tiếng sáo của GS sẽ tiếp tục ngân lên hòa quyện với những giai điệu toán học mới. 

Trong một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng năm 2000, GS Đặng Đình Áng viết: “Quê hương là dải đất có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy”.

Thưa GS Đặng Đình Áng, quê hương cũng còn được tạo ra bởi những người vẫn còn sống yêu quê hương và miệt mài lao động để cho đất nước mau chóng vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc. Trong những người còn sống làm nên quê hương đó có GS. 

Dr. habil. NGUYỄN XUÂN XANH

Trích từ Tuổi trẻ Chủ Nhật (19 tháng 3 năm 2006, “Nhà toán học với chiếc sáo bạc”)

Biểu tượng (logo) của Khoa Toán - Tin học đã được sử dụng từ trước năm 2013. Năm 2019 Khoa điều chỉnh nhỏ biểu tượng này và phát hành lại để thống nhất sử dụng.

Biểu tượng này được dùng chủ yếu để nhận diện và trang trí, thường được dùng kèm với biểu tượng của Trường.

Logo Math CS

Giải thích ý nghĩa biểu tượng:

  • Những khái niệm hình học đoạn thẳng, hình tròn đơn giản nhưng trừu tượng. Trừu tượng là đặc trưng quan trọng của Toán - Tin học.

  • Hai vòng tròn gắn kết của Toán và Tin học.

  • Tùy theo cách tưởng tượng có thể thấy hình chiếu của một hình trụ quay lên hay quay xuống - hiệu ứng đặc biệt này thể hiện trạng thái động. Trí tưởng tượng và tính động khích lệ sự sáng tạo.

  • Màu xanh của bầu trời tượng trưng sự vô hạn.

  • Vẽ bằng TeX, dùng font chữ riêng của TeX, một  đặc điểm của ngành Toán.

Ngày 8/4/2019

Trưởng Khoa Toán - Tin học

 

File nguồn dạng tex

Bản định dạng pdf

Bản định dạng svg

Bản định dạng png

Nguyễn Hữu Việt Hưng
(Bài nói tại Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc, Tp Hồ Chí Minh 25-28/11/2005)


Tôi biết anh Nguyễn Hữu Anh 31 năm về trước trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Tháng 10/1974, có một nhóm các nhà Toán học từ Pháp tới Hà Nội giảng về Lý thuyết Kỳ dị và Tai biến trong một tháng trời, bao gồm B. Malgrange, F. Phạm, A. Chenciner, và Lê Dũng Tráng. Để chuẩn bị cho hoạt động đó, cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã viết một bài dài trên báo Nhân Dân giới thiệu về lý thuyết này. Cần nói rõ rằng hồi đó Miền Bắc nước ta chưa có nhiều báo chí như bây giờ, và chỉ những bài chính thống vào bậc nhất mới được in trên báo Nhân Dân. Lúc ấy tôi đang học năm thứ tư trong khoá đào tạo thời đó gồm 4 năm rưỡi tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lũ 3 đứa lớp tôi gồm Đặng Hùng Thắng, Đào Kiến Quốc và tôi được Khoa Toán cho phép nghỉ học chính khoá suốt tháng 10 để đi nghe những bài giảng nói trên.

Ba người giảng chính là Malgrange, Phạm, và Chenciner nối tiếp nhau giảng bằng tiếng Pháp, mỗi người một giờ mỗi buổi sáng. Riêng Lê Dũng Tráng thỉnh thoảng bổ sung một bài giảng, anh cố gắng nói bằng tiếng Việt, dù lúc đó tiếng Việt của anh chưa được trôi chảy như về sau này. Người nghe ngồi chật cả một phòng lớn ở tầng 3 toà nhà chính ĐHBK Hà Nội. Lúc ấy, không mấy người nghe được tiếng Pháp, nên chúng tôi cần phiên dịch. Hai phiên dịch thay phiên nhau, một là GS Đoàn Quỳnh và người thứ hai còn rất trẻ và lạ, tên là Nguyễn Hữu Anh, tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ mới về nước, làm việc tại ĐHBK Hà Nội.

Anh Nguyễn Hữu Anh nói tiếng Pháp (và, như sau này tôi được biết, cả tiếng Anh nữa) rất trôi chảy với một ngữ điệu đẹp. Khó khăn mà anh ít nhiều gặp phải lúc bấy giờ chính là phần tiếng Việt, lý do là vì các nhà toán học ở hai miền nước ta trong một thời gian dài trước năm 1975 đã dùng những thuật ngữ toán học rất khác nhau. Chẳng hạn, Không gian tôpô (miền Bắc) cũng được kêu bằng Đồ hình vị tướng (miền Nam), Không gian tôpô compact địa phương là Đồ hình vị tướng áp súc cục bộ, Môđun được kêu bằng Gia quần, Môđun con là Tiểu gia quần... (Chữ này thật khó cho những người nói giọng Hà Nội như tôi.)

Sau tháng 10/1974, được khích lệ bởi loạt bài giảng nói trên, ở Hà Nội trong một thời gian dài có một xêmina do các giáo sư Đoàn Quỳnh, Hoàng Hữu Đường, Phạm Ngọc Thao, Phan Đức Chính, Nguyễn Hữu Anh... chủ trì. Xêmina làm về một số vấn đề hiện đại của toán học: Nhóm Lie và Đại số Lie, Lý thuyết biểu biễn, Hình học Riemann toàn cục, Lý thuyết Kỳ dị... Trong xêmina, tôi có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với anh Nguyễn Hữu Anh. Tôi được biết anh đã học đại học tại Sài gòn (1963-66), nơi anh chịu nhiều ảnh hưởng của GS Đặng Đình Áng, lấy bằng tiến sĩ tại University of California, Los Angeles (UCLA) (1967-69) dưới sự hướng dẫn của GS D. Babitt (ông này trong nhiều năm làm Tổng biên tập tạp chí Pacific Journal of Mathematics), rồi làm postdoct tại Princeton (1969-71) với GS Harish Chandra, sau đó anh tiếp tục làm postdoct một thời gian ở Queen’s University, Canada (1971-73) trước khi về nước năm 1974, lúc anh 29 tuổi.

Sinh viên ĐHBK Hà Nội hồi đó truyền tai nhau rằng thầy Nguyễn Hữu Anh thường gặm bánh mì ngay trong phòng thi, để hỏi thi thông tầm từ sáng đến tối. Rất nhiều sinh viên bị thầy đánh trượt.

GS Đặng Đình Áng và nhiều người từng ở Đại học Khoa học Sài gòn đánh giá anh Nguyễn Hữu Anh ngày xưa là sinh viên xuất sắc nhất của Khoa Toán đại học này trong suốt mấy chục năm. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở UCLA không phải anh Anh đã tham gia phản chiến ngay từ đầu. Nhưng dần dần, chính hệ thống truyền thông của nước Mỹ đem cuộc chiến tranh Việt Nam tới từng đầu giường ngủ đã đưa anh đến với phong trào phản chiến. Ngày ngày tivi Mỹ đặc tả những trận càn, xóm làng miền Nam Việt Nam tan hoang, lính Mỹ và lính Sài Gòn cứ chiều tối lại ôm càng trực thăng bỏ chạy... Thế rồi anh Anh xuống đường với phong trào phản chiến. Tôi đã thức nhiều đêm ở Berkeley để nghe một người bạn của anh trong phong trào sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, anh Đoàn Hồng Hải, kể về những năm tháng hào hùng của các anh.

Rời bỏ nước Mỹ, đất nước có mức sống rất cao và nền khoa học hàng đầu thế giới, để về Việt Nam, mà về Hà Nội khi đất nước còn chia cắt, chứ không phải Sài gòn, nơi anh sinh ra và lớn lên, anh Nguyễn Hữu Anh đã có những quyết định mà chắc chắn bất kì ai cũng không thể chọn lựa một cách dễ dàng. Tôi thấy anh Nguyễn Hữu Anh có một cuộc đời không bằng lặng. Vậy mà anh dường như không có gì phải dằn vặt, lúc nào cũng hồn nhiên, hồ hởi, chân thành. Anh như một ngọn nến bình thản cháy mà tôi và nhiều bạn bè cùng thế hệ thường nhìn vào để bình tâm lại mỗi khi chúng tôi phải vật lộn với những sự chọn lựa.

Khi còn sống độc thân ở ĐHBK Hà Nội, anh Nguyễn Hữu Anh được phân căn gác lửng ở tầng một-rưỡi một toà nhà gần sân vận động của trường (Đông Dương học xá cũ). Đó là căn gác rộng chừng 8-9 mét vuông, ở chiếu nghỉ cầu thang nằm giữa tầng một và tầng hai. Một vài lần tôi đã tới thăm anh ở căn gác đó. Nhưng khi ấy tôi chưa biết ở những nước phát triển thì người ta thường sống trong những chỗ như thế nào, cho nên tôi cũng không biết rằng sống như thế là bình thường hay là phi thường. Chính trong căn gác đó, anh Nguyễn Hữu Anh đã viết bài báo mà sau này được in trên Annals of Mathematics. Đó là tạp chí toán học số 1 trên thế giới. Và bài báo của anh Nguyễn Hữu Anh cho tới nay vẫn là bài duy nhất của một người Việt viết trong lúc đang sống và làm toán trong nước, được in trên Annals. (Có một thực tế là tạp chí này thường ít khi đăng bài của những người chưa từng ở Princeton và không có quan hệ chuyên môn khăng khít với một giáo sư nào có thế lực ở đó.) Chúng ta đã có dịp bàn về chất lượng và số lượng trong khoa học. Chỉ xin nhắc lại một sự thật hiển nhiên là chất lượng chứ không phải số lượng của các công trình chính là cái tạo nên đẳng cấp của một nhà toán học, và rộng ra, tạo nên diện mạo của một nền toán học. Hãy tự hỏi lòng mình xem nếu được quyền chọn lựa giữa một bên là làm tác giả của một trong những bài thơ như Hoàng hạc lâu (Thôi Hiệu), hay Đề đô thành Nam trang (Thôi Hộ), hay Phong kiều dạ bạc (Trương Kế) với một bên là làm tác giả của cả một tập thơ dày cộp vẫn thường được in ra sau những cuộc thi thơ gần đây thì ta sẽ chọn cái gi.

Năm 1978, anh Nguyễn Hữu Anh cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn. Trong nhiều năm anh làm Chủ nhiệm Bộ môn Đại số, Chủ nhiệm khoa Toán ĐHKH thành phố Hồ Chí Minh, và hiện nay là Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi tin rằng một người có trình độ cao, hiểu biết tường tận về lối đào tạo theo chứng chỉ của Mỹ và có quan hệ quốc tế rộng rãi như anh Nguyễn Hữu Anh nếu được đặt vào cương vị Hiệu trưởng sẽ rất có lợi cho trường đại học ấy.

Trong những năm 1980, anh nhiều lần được đồng nghiệp mời sang Mỹ trao đổi khoa học. Lúc đầu thì phía Việt Nam không cho anh đi, nguyên do là vì anh có một bà chị di tản sang Mỹ. Về sau, khi phía Việt Nam cho anh đi thì phía Mỹ lại không cấp visa, bởi vì họ vẫn còn “ghi sổ đen” những hoạt động phản chiến của anh. Mãi sau này, nhờ có một Thượng nghị sĩ Mỹ can thiệp, anh mới có những chuyến trở lại trao đổi khoa học với các đồng nghiệp Mỹ.

Nhân những lúc trà dư tửu hậu mà chuyện phiếm, một số anh em ở ĐHTH Hà Nội (cũ) chúng tôi thường ví các nhà toán học với rượu, một sự so sánh đầy kiêu hãnh. Rượu là thứ thú vị bậc nhất trên đời này. Đó là sự pha trộn không biên giới của nước và lửa, của ngọt ngào và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. Trong ví von đó, các nhà toán học Việt Nam chủ yếu thuộc về hai dòng: Toán học Quốc doanh và Toán học Quốc lủi. Rượu Quốc doanh do nhà nước sản xuất, có tính “chính thống”, với nhãn mác qui chuẩn; còn rượu Quốc lủi (dân Miền Nam gọi là rượu đế) do nhân dân nấu trộm, nên nó “dân dã”, và cũng vô danh như nhân dân vậy. Chữ Quốc lủi còn đồng âm với Cuốc lủi, tên một loài chim đầy nỗi niềm thường lẩn trốn rất nhanh. (“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.” – Bà Huyện Thanh Quan). Đáng tiếc là ngày nay các nhà toán học quãng dưới 40 tuổi nói chung không còn hiểu nghĩa các chữ Quốc doanh và Quốc lủi cùng hoàn cảnh ra đời của những khái niệm này.

Mấy anh em dòng Toán học Quốc lủi chúng tôi mạn phép cho rằng anh Nguyễn Hữu Anh cũng thuộc dòng toán học này. Không biết anh Anh có chia xẻ ý tưởng này và lượng thứ cho sự tếu táo của chúng tôi hay không?

Mới đó mà anh Anh đã 60 tuổi. (Anh sinh ngày 7/4/1945.) Dạo đầu năm, tôi nghĩ rằng trong năm nay tôi sẽ không có đủ thời gian để viết về những kỉ niệm với anh. Tôi tự an ủi là tôi đã có một bài báo với lời mừng thọ anh in trên Transactions Amer. Math. Soc. 357 (2005), 4065-4089.

Năm nay tôi bận và mệt quá, vì phải làm nhà. Hơn 50 tuổi mà còn để vợ con phải sống trong một căn nhà cấp 4, tôi tự thấy mình có tội. Trong câu thơ Xuân Sách viết về Hữu Loan, tác giả của “Màu tím hoa sim”: “Cho đến khi tóc bạc da mồi / Chưa làm được nhà, còn bận làm người” tôi như thấy có một phần cuộc đời mình. Nhưng khi năm 2005 sắp hết, tôi tự thấy không thể yên lòng nếu không viết bài này.

Anh Nguyễn Hữu Anh là một người sành ăn và sành rượu vang. Khổ một nỗi, ngày nay ở nước ta các thứ vang nổi tiếng, như Bordeaux chẳng hạn, thường bị làm giả. Anh Anh có lần nói đùa: “Khi các em mang rượu vang ra thì phải sờ đít ngay, đít bằng thì dỏm đít lõm thì nghiêm” Đó là cái đít chai rượu. Nhưng ngay cả cách chọn rượu rất tài hoa đó cũng nhiều khi không giúp người ta tránh được rượu rởm. Vì thế mà một năm đôi lần anh Nguyễn Hữu Anh và tôi gặp nhau, chúng tôi thường tránh những loại vang đã được xem là có mác chuẩn, mà dùng vang California, vang Chilê... Những thứ vang quê kệch này còn vô danh, cho nên không bị làm giả. Anh Anh còn nhớ cái chai vang đỏ Chilê mà anh em mình uống ở quán Hot Rock không? Đậm chát vị nắng Chilê dân dã phải không anh?

Hà Nội, mùa nắng hanh 2005

Nguyễn Hữu Việt Hưng

NGƯỜI CÁN BỘ QUÂN QUẢN NĂM XƯA

Cẩm Sương (ghi theo lời kể của GS.TSKH. Nguyễn Cang)


Từ Nam ra Bắc….

Tôi là Cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc đầu năm 1955, được Nhà nước cử đi học sau Đại học năm 1965 tai Trung Quốc, nhưng do tình hình Trung Quốc luc đó quá biến động nên cuối năm 1966 đòan chúng tôi được lệnh về nước và tôi công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một năm sau tôi được cử làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Bucarest (Romania) vì tôi thạo tiếng Pháp. Tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Tóan học năm 1971 và về nước công tác tại Vịen Khoa học Giáo dục, đồng thời dạy và phụ trách Khoa cơ bản của Trường Bách Khoa tại chức Hà Nội.Năm 1980, khi đang là Chủ Nhiệm Khoa Tóan của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, tôi được Bộ Đại học cử đi làm Nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Hàn Lâm Khoa học Ba Lan và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Habil Khoa học Tóan học năm 1984…

Lên đường vào Nam …

Khi chúng ta mở chiến dịch Tây Nguyên thượng tuần tháng 03-1975, tiếp đó giải phóng Thừa Thiên-Huế, rồi Đà Nẵng. Tôi được lệnh tập trung về Trường Đảng Cao cấp tức là Trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương, học tập tình hình và nhiệm vụ mới. Chúng tôi được lệnh cấm trại, không ai được về thăm gia đình. Đến hạ tuần tháng 04-1975, đòan chúng tôi được phát trang phục đi B (vào chiến trường miền Nam). Ngày 28/4/1975, chúng tôi được về thăm gia đình 1 ngày và sáng 29/4 chúng tôi lên máy bay tại sân bay Gia Lâm bay vào Nam. Chúng tôi chưa biết sẽ nhận nhiệm vụ cụ thể ở đâu vì cấp trên phổ biến là còn tùy thuộc diễn tiến của tình hình. Trưa 29/4/1975 chúng tôi đáp xuống sân bay Đà Nẵng vắng vẻ, chỉ vài đ/c quân giải phóng làm nhiệm vụ mà thôi. Thành ủy Đà Nẵng bố trí đòan chúng tôi về chỗ ở nhà của 1 viên tướng Mỹ làm cố vấn cho vùng một chiến thuật của quân đội ngụy. Đòan chúng tôi là đòan cán bộ cao cấp được Trung ương phái vào chi viện cho chiến trường miền Nam, Nếu tình hình thuận lợi, ta giải phóng miền Nam, thì đòan phải có mặt tại Sài gòn trong thời gian sớm nhất chi viện và chịu sự quản lý của Chính phủ lâm thời Công hòa Miền Nam Việt Nam. Đòan của chúng tôi bao gồm đủ các ngành, riêng Giáo dục và Đại học có 14 đồng chí thuộc các trường Y-Dược, Tổng hợp, Bách Khoa, Sư phạm Hà Nội...

Những ngày đầu giải phóng …

Sài gòn đươc giải phóng, UB Quân quản TP. cho ô tô ra đón chúng tôi. Sáng ngày 03/5 tôi và anh Hữu Chí lên xe Jeep từ Viện Đại học SG có sinh viên dẫn đường đến nhận nhiệm vụ tại trường ĐH.KHSG, lúc đó có tên là Khoa học Đai học đường.. Một bước ngoặt lớn trong đời công tác của tôi và anh Chí bắt đầu từ đó. Trước khi tôi và anh Nguyễn Hữu Chí đến trường đã có một số anh chị em thuộc tiểu ban giáo dục của R (tức Bộ Giáo dục của Chính phủ Cách mạng lâm thời) về chốt các cơ sở Giáo dục trong đó có  trường ĐHKH. Các đ/c đó là những giáo viên cấp 3 ở miền Bắc được Trung ương phái vào chi viện cho Miền Nam từ năm 1962. Khi tôi và anh Chí đến thì cá  đ/ c bàn gao công việc lại cho chùng tôi rồi rút về Bộ Giáo dục và Thanh niên nhận công tác mới. Nhưng lúc đó được một lực lượng rất hùng hậu ủng hộ tức các anh chị sinh viên đấu tranh từ trước trong thời kỳ Mỹ ngụy, họ là những người có nhiều thành tích và chính những anh em đó, khi chúng tôi vào đã giúp chúng tôi rất tích cực. Nếu không có họ chúng tôi không thể hòan thành nhiệm vụ đươc. Ngoài ra, trong số anh chị em cán bộ giảng dạy của trường ĐHKHSG lúc đó nói chung là tất cả anh chị em giảng dạy, từ các Giáo sư lớn tuổi như anh Lê Văn Thới, Phạm Hoàng Hộ … đến những người trung niên như : Chu Phạm Ngọc Sơn, Trần Kim Thạch … nhiều người đã từng tham gia sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, lo cho từ chỗ ăn, chỗ ở lúc đó chẳng nhà cửa gì, nằm trên bàn giấy đầu giường có khẩu AK có đạn đàng hòang, ngòai cổng làm nhiệm vụ bảo vệ có anh em sinh viên phong trào đấu tranh, thay nhau gác đêm…  Việc ăn uống hằng ngày của chúng tôi phần lớn do các chị em CB giảng dạy trong trường như chị Nguyễn Ngọc Sương, Tô Ngọc Anh, trẻ hơn cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (Trưởng phòng Đào tạo hiện nay) và nhiều chị em khác, … Chúng tôi chẳng có gì, chỉ có lương khô và ít ruốc chà bông Trung Quốc vậy thôi, không có lương, Anh Trần Kim Thạch thấy chúng tôi không có điều kiện nghe tình hình nên cho mượn cái đài National bán dẫn của Nhật cho chúng tôi mượn. Chị Sương thấy chúng tôi cực quá đem lại cho 1 két rượu bổ tự chế để uống. Chị Sương gốc là dược sĩ , ngày xưa học ở bên Tây về đây đỗ Tiến sĩ Hóa học. An uống sinh hoạt thì kham khổ thế, nhưng công tác rất vui. Các anh chị em giảng dạy từ người lớn tuổi như anh Thới (bây giờ đã mất), chị Mai Trần Ngọc Tiếng, Linh mục Hoàng Quốc Trương rất nhiệt tình giúp đỡ và công việc chúng tôi lúc đó được cấp trên giao phục hồi lại họat động bình thường của trường ĐHKHSG, 1 phần cho anh chị em trước đây làm việc gì thì tiếp tục làm việc đó, nhưng chưa học tập, chưa giảng dạy theo kế hoạch mới, để anh chị em giáo chức trong trường ở các phòng thí nghiệm hoạt động bình thường, lớp thì chưa lên, công tác nghiên cứu khoa học vẫn tiếp tục cho Sinh viên sinh hoạt chính trị…

Ổn định hoạt động …

Năm 1975 cho đến hè 1976, có thể nói chỉ sinh hoạt chính trị, tôi được phân công giảng chính trị cho tòan bộ sinh viên và hướng dẫn ở tổ cho các buổi thảo luận chính trị của các đ/c cán bộ giảng dạy. Trong thời gian về Miền Nam trước khi đi chúng tôi có làm cái việc chuyển Đảng tịch, lúc còn ngoài Bắc thì chúng tôi Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam khi lên đường vào Nam chúng tôi có nhiệm vụ chuyển Đảng tịch Đảng Lao Động Việt Nam sang Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam, hiện nay giấy tờ chuyển Đảng tịch còn giữ làm kỷ niệm.

 Vào trong này được thời gian chúng tôi nhận quyết định bổ nhiệm, anh Nguyễn Hữu Chí làm Trưởng ban phụ trách của Trường ĐHKHSG (cũng như Ban giám Hiệu bây giờ) và tôi là Phó ban phụ trách. Theo chính sách Đại đòan kết chúng tôi có mời và trên bổ nhiệm thêm hai cán bộ giảng dạy tại chỗ tham gia cùng chúng tôi. Lúc đó đ/c Lý Hòa còn ở Đại học Cần thơ chưa về, khi chúng tôi làm việc độ chừng nửa tháng hoặc 1 tháng thì anh Lý Hòa về và cùng tham gia ban phụ trách. Ban phụ trách hồi đó gồm 5 người anh Nguyễn Hữu Chí làm Trưởng ban, tôi và anh Lý Hòa làm Phó ban cùng 2 đ/c cán bộ giảng dạy ở trường ĐHKHSG cũ trong đó có anh Trần Kim Thạch, anh Phạm Hòang Hộ. Hiện nay 30 năm sau chúng tôi đều khỏe mạnh, anh Lý Hòa là thương binh nhưng hiện nay rất khỏe, anh Chí thỉnh thoảng hơi yếu chút, tôi cũng hơi yếu chút nhưng vẫn còn làm việc được. Anh Trần Kim Thạch tuy đã về hưu nhưng vẫn họat động chuyên môn, anh Phạm Hoàng Hộ đi vắng, chúng tôi rất mong gặp lại anh ấy. Tình hình là như vậy… Chúng tôi làm nhiệm vụ quân quản, giữ nhiệm vụ Ban phụ trách trường từ năm 1975 đến 1977. Từ 1977 trở đi, trường Đại học KH Sài Gòn và trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn sáp nhập làm một, trở thành trường Đại học Tổng hợp  TP.HCM. Lúc đó tôi nguyên từ thời 1975 đã được giao chủ nhiệm Khoa Toán và sau khi sáp nhập thành trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM tôi làm nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Toán và kiêm thêm công tác Đảng. Lúc đầu tôi làm Bí thư Đảng Khối tự nhiên.

Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình …

Công việc như vậy, 30 năm qua rồi tôi rất nhớ những người ngày xưa giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, bây giờ không còn nữa. Ví dụ như GS Lê Văn Thới, tôi rất tiếc trong mấy năm anh Thới ốm nằm bệnh viện Thống Nhất, lúc đó đang công tác ở Viện Hàn Lâm Ba Lan, nghỉ phép có về nhà đến thăm anh Thới, lần thăm đó là lần thăm cuối cùng sau đó anh Thới mất, vì một chứng bệnh hiểm nghèo. Nhiều người hiện nay đang còn khỏe, nhưng sức khỏe yếu dần, ví dụ như GS Nguyễn Chung Tú là người am hiểu rất nhiều về tình hình của trường ĐHKH Sài Gòn trước 1975, vì GS Nguyễn Chung Tú vào SG sau Hiệp Định Genève. Thành ra tôi có đề nghị nhà trường nên khai thác thời gian đó của anh Tú hoạt động ở đây. Hiện nay anh Tú lớn tuổi và 1 thời gian có đảm trách chức vụ Hiệu Phó trường ĐH Dân Lập Hùng Vương, nhưng hiện nay tôi biết anh ấy cũng hơi yếu. Tất cả những người ngày xưa còn lại thì một số người cũng không còn ở SG. Tôi cò dịp qua Pháp thì cũng có dịp gặp lại người cũ , ví dụ như anh Huỳnh Văn Công ở Khoa Vật Lý. Anh qua Pháp 1979. Năm 1983 - 1984 – 1985 tôi đi qua Pháp có đến thăm, anh Công vui vẻ lắm… Anh có hỏi thăm tình hình Sài Gòn và tôi có nói anh Công khi nào rảnh mời về Sài Gòn chơi Sau này anh có về chơi và qua trở lại Pháp. Một số người đã giúp chúng tôi hồi đó hoàn thành nhiệm vụ bây giờ tôi còn nhớ mãi, nhất là chị Sương và chị Tô Ngọc Anh người đã đứng ra tổ chức đời sống cho chúng tôi làm việc và góp rất nhiều công sức về việc trở lại bình thường sinh hoạt chung của trường. Tôi nhớ chị Nguyễn Ngọc Sương, Tô Ngọc Anh,  anh Nguyễn Thanh Khuyến, anh Hà Thúc Huy, tôi không nhớ hết, nhiều năm nhìn lại gặp lại vui vẻ mừng rỡ lắm. Số anh em trẻ hơn, lúc tôi vào trường các anh vào tuổi hai mươi, như anh Dương Ái Phương, anh Nguyễn Thanh Hương … bây giờ gặp lại tất cả đều có gia đình vui vẻ, con cái học hành tiến bộ. Có người tiến bộ trên đường công tác như anh Dương Ái Phương (Hiệu Trưởng) và anh Nguyễn Thanh Hương (Hiệu Phó), một số khác bây giờ cũng là cán bộ cốt cán của trường như chị Ngọc Lan (Trưởng phòng Đào tạo) hoặ đang giữ những trọng trách ngòai XH ... Số đoàn viên thanh viên hồi đó người giúp đỡ chúng tôi rất nhiều anh Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Tân, Nguyễn Súng Nhữ Đình Ngoạn, … anh em đó bây giờ vẫn còn gặp lại nhắc lại chuyện cũ ngày xưa những năm gian khổ đi lao động ở Nhị Xuân, đào mương, đắp đập, cuốc đất, v.v.. anh em nhắc lại ngày đó rất khổ, ăn uống kham khổ nhưng rất vui…

Bây giờ tôi đã về hưu lâu rồi nhưng vẫn còn tham gia giảng dạy ở trường, vẫn dạy cao học Toán của Khoa Toán, giảng dạy môn “ Triết học trong Toán học “ ở Khoa Triết trường ĐHKH Xã Hội & Nhân Văn. Đến bây giờ vẫn còn dạy. Giảng cho Khoa Triết, công việc vẫn tiến hành đều. Rất vui là lớp trẻ hồi đó bây giờ đã trưởng thành, rồi những anh em cùng thời tôi vẫn còn khỏe mạnh tham gia công tác đầy đủ. Tôi có gợi ý với anh Dương Ái Phương là trường ĐHKHSG chúng ta là trường có một bề dày lịch sử rất lớn. Từ hồi Pháp thuộc, khi tôi còn là học trò trung học tôi đã nghe nói đến những người đã học rất xuất sắc ở trường ĐHKH Hà Nội (sau năm 1954 đời vào Sài gòn và là tiền thân của Trường chúng ta ngày nay), như anh Lê Thiệu Huy, bà con với GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu về anh Lê Thiệu Huy như sau: “đây là một sinh viên xuất sắc nếu đựơc đào tạo cẩn thận thì sẽ đi rất xa”, nhưng tiếc rằng anh đã hy sinh trên đuờng đi mua vũ khí ở Thái Lan, trên dòng sông Mê Kông, nghe nói anh đã dùng thân mình che Hoàng thân Xuphanôvông (Lào) khỏi bị đạn. Anh đã hy sinh và được phong tặng là liệt sĩ của Lào (và của cả Việt nam)…

Nên chăng có ngày hội truyền thống Trường…

Trường ĐHKH có bề dày lịch sử từ thời kỳ trước CM tháng 8 (trường ĐHKH Đông Dương hồi đó). Tại sao không có ngày Hội truyền thống để giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay đồng thời để nêu một gương tốt cho anh em cán bộ, nhân viên và sinh viên trong trường. Mong ngày nào đó trở thành hiện thực. Anh em ở trường nên tranh thủ khai thác các Thầy Cô lâu năm ở trường, biết rất rõ về hoạt động của Trường, như : GS. Nguyễn Chung Tú, GS. Đặng Đình Áng, …

Về các lực lượng hoạt động bí mật và công khai trong trường trước khi tôi về làm nhiệm vụ tiếp quản trường thì như đã nói ở trên, từ khi được triệu tập, cho đến lúc lên đường rồi vào Nam, vẫn chưa biết mình đi đâu về đâu…cho đến ngày 03/5/1975 mới biết về Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Lúc về trường các đ/c hoạt động Đảng ở TP cho biết ở trường có 1đ/c được kết nạp bí mật trong lòng địch năm 1973 là đ/c Phạm Trọng Quy, giáo chức dạy Vật Lý. Trước khi vào SG được biết sinh viên đấu tranh rất hăng hái và địch rất sợ lực lượng học sinh sinh viên nhưng chưa biết cụ thể là ai. Khi nhận nhiệm vụ rồi tôi được biết số sinh viên đấu tranh rất nhiều, những người hoặc đã trực tiếp tham gia cách mạng, cảm tình với cách mạng, tiếp tay cho cách mạng. Năm 1969 trong phiên họp của Hội đồng Khoa học của tường ĐHKHSG anh Nguyễn Đình Ngọc và anh Trần kim Thạch đã bất ngờ chủ động đề nghị toàn thể Hội nghị đứng dậy truy điệu Hồ Chủ tịch vừa mất năm 1969. Trong thời gian tiếp quản trường nhờ Anh Ngọc, anh Thạch và lực lượng đông đảo sinh viên tại chỗ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều như bảo vệ trường, bảo vệ an ninh, các phòng thí nghiệm v. v... như các anh Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Súng, Nguyễn Tân, Ngọc Dũng v..v... đó là lực lượng đông. Một số khi tốt nghiệp được giữ lại Trường công tác như anh Nguyễn Thanh Hương,…

Chính thức thì trên chỉ cử 2 người là tôi và anh Hữu Chí vào trường ĐHKHSG, anh Phạm Thành Hổ, anh Nam và Nguyễn Quốc Thắng vào sau. Chưa có chi bộ lúc đó, chưa kết nạp đảng viên mới tại chỗ, sinh hoạt chi bộ ghép, chỉ có tổ Đảng nhưng chỉ có những Đảng viên ngoài Bắc vào công tác.

Quyết định bổ nhiệm tôi và anh Chí là của tổ chức Trung ương cục. Người ký là đ/c Phan Văn Đáng (Hai Văn), và quyết định bổ nhiệm vào Ban phụ trách trường của Bộ Giáo dục và thanh niên do Bộ trưởng Phạm Văn Kiết và Thứ trưởng Lê Văn Chí ký. Chuyển Đảng từ Đảng LĐVN ở miền Bắc  chuyển vào sinh hoạt tại tổ chức Đảng bộ ông Cụ (từ bí mật, chỉ Trung ương cục). Khi có quyết định từ đó đó trường chính thức hoạt động có quy củ. Vẫn là Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam của chính phủ CM lâm thời hai miền khi chưa thống nhất. Sau thống nhất chúng tôi chuyển lại từ Đảng Nhân dân CM Miền Nam sang Đảng Lao động Miền Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 5/1975 cho đến Hè 1976, các phòng thí nghiệm vẫn hoạt động bình thường. Năm học 1976-1977 tổ chức tuyển sinh đầu tiên, lúc đó vẫn là trường ĐHKHSG. Lớp đầu tiên đó có : Nguyễn Hội Nghĩa (bây giờ đã là Tiến sĩ, đang công tác tại Đại học Quốc gia)…. Cảm nhận của tôi về các thế hệ sinh viên trường ĐHKHSG rất tốt. Tính chất sinh viên là độc lập công tác, chủ động, sáng tạo…Chúng ta phải luôn nắm vững tính chất này và phát huy ở các em sinh viên…

Sáng Chủ nhật 19/11/2017 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM tổ chức lễ mừng ngày nhà giáo, đồng thời kỉ niệm 40 năm Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, 60 năm Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Khoa Toán-Tin học cũng tổ chức tiệc trưa mừng.


2455

Thầy Nguyễn Công Tâm (trái) học ở Nga rồi về giảng dạy ở Trường năm 1977. Kể từ đó thầy Nguyễn Công Tâm làm việc ở Khoa cho tới khi nghỉ hưu, dạy các môn như Giải tích phức, Phương trình Toán Lý. Cuốn Giáo trình Phương trình Toán Lý Nâng cao của thầy vẫn còn được bán ở quầy sách của Trường. Thầy Vũ Cao Mại (phải) học Toán ở Trường qua 2 thời kì, nhập học năm 1972, tốt nghiệp năm 1977. Nhiều năm sau này thầy phụ trách thư viện của Khoa.

2458

Thầy Nguyễn Ngọc Trân là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn từ ngày đầu thành lập năm 1957. Từ năm 1976 tới 1980 thầy làm Phó Khoa. Thầy dạy môn mà bây giờ gọi là Giải tích số, cùng với thầy Nguyễn Cang đã góp phần đưa Tin học vào chương trình. Sau này thầy làm Đại biểu Quốc hội. Con gái của thầy Nguyễn Hồng Phương (phải) cũng là cựu sinh viên của Khoa.

2461
Thầy Nguyễn Viêm học toán ở Trường từ cuối thập niên 1950 rồi dạy toán ở Trường từ thập niên 1960. Nhiều thế hệ sinh viên ngành toán và các ngành khác của Trường đã được thầy dạy các môn Vi tích phân và Giải tích. Thầy chỉ mới nghỉ dạy cách đây vài năm.

2463
Cô Đỗ Thị Ái Ngọc dạy các môn Tin học ở Khoa, sau này cô chuyển sang Khoa Công nghệ thông tin. Thầy Hoàng Mạnh Để (phải) học ở Pháp về dạy các môn Đại số ở Trường từ giữa thập niên 1960.

2473
Thầy Cù An Hưng (đứng) học toán ở Trường từ cuối thập niên 1950 rồi trở thành một trong những trợ giảng người Việt đầu tiên ở Khoa (lúc đó môn Toán vẫn còn chủ yếu do các giáo sư người Pháp dạy). Nhiều thế hệ sinh viên đã học môn Vi tích phân với thầy, và nghe thầy đọc thơ.

2477
Thầy Trưởng Khoa Đặng Đức Trọng phát biểu chúc mừng.

 0343 Thầy Võ Đăng Thảo (trái) từng dạy môn Giải tích phức. Thầy Nguyễn Bác Văn (phải) dù đã trên 80 tuổi nhưng vẫn đi xe đạp tới Trường dạy các môn Xác suất-Thống kê.

0347
Thầy Đinh Văn Hà (trái) nhiều năm dạy Xác suất-Thống kê. Thầy Tô Anh Dũng (phải) dạy Xác suất-Thống kê, nguyên là Trưởng Khoa (2002–2007).

0365 Thầy Lê Vĩnh Thuận (trái) dạy các môn Xác suất-Thống kê, nguyên là Phó Khoa (2002–2007). Cô Trần Thị Huệ Nương dạy các môn Tối ưu. Thầy Thái Minh Đường dạy các môn Đại số, sau này thầy làm Hiệu phó Trường phổ thông Năng khiếu.

0356
Thầy Nguyễn Văn Quang dạy môn Cơ học.

Về thăm còn có các thầy Lê Cảnh Hường, Phan Quốc Khánh, Trần Thanh, Lê Trung Tương. Một số cựu sinh viên nhân dịp này cũng về thăm.

Cuối cùng là hình ảnh một số thầy cô trẻ hơn đang công tác:

0383 0329 0420


Ảnh: Lê Văn Luyện và Huỳnh Quang Vũ