Tin mới

  • Chương trình AI Residency tại FPT Software - Batch 5 28/03/2024

    Sinh viên trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những nhóm sinh viên tài năng qua 4 mùa tuyển sinh của AI Residency. Sau thời gian tham gia chương trình, nhiều sinh viên HCMUS đã có những thành tích ấn tượng như em Nguyễn Hồ...

  • VỀ ĐÂY NHỮNG YÊU THƯƠNG - CHÀO MỪNG NGÀY TRUYỀN THỐNG CỰU SINH VIÊN KHOA HỌC 28/03/2024

    Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước (tính từ mốc thành lập Cao đẳng Khoa học trực thuộc Viện Đại học Đông Dương năm 1941), danh tiếng và vị trí học thuật của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc...

  • Chương trình Global Young Leaders 2024/25 - POSTECH và POSCO Group 27/03/2024

    Chương trình cung cấp cho sinh viên cơ hội tham gia các khóa học và tham gia nghiên cứu tại POSTECH, cũng như trải nghiệm văn hóa và công nghiệp Hàn Quốc thông qua các chương trình học thuật & chuyến tham quan. Mọi chi phí cho thời gian lưu trú của...

  • Đại học Y dược TP. HCM tuyển dụng giảng viên Bộ môn Tin học 25/03/2024

    Khoa Khoa học cơ bản, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng 01 giảng viên Bộ môn tin học, tốt nghiệp thạc sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành Máy tính và CNTT, Khoa học dữ liệu, Cơ sở toán học cho tin học.  Thông tin chi tiết về tiêu chuẩn dự tuyển,...

  • Giải thưởng UL Research Institutes-ASEAN-U.S. Science Prize for Women 22/03/2024

    Giải thưởng UL Research Institutes-ASEAN-U.S. Science Prize for WomenĐây là giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ. Giải thưởng năm 2024 tập trung vào chủ đề về Climate Resilience and Adaptation, nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học nữ đã có...

  • Thông báo chương trình học bổng Quad Fellowship dành cho trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ trong lĩnh vực STEM năm 2024 22/03/2024

    Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông qua Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chương trình học bổng Quad (Quad Fellowship) dành cho các sinh viên xuất sắc theo học trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán...

  • Thông báo các học phần tương đương, HK2/2023-2024 19/03/2024

    Trong kế hoạch mở môn học kỳ 2/2023-2024, Khoa Toán - Tin học đổi tên một số học phần theo danh sách sau: STT Tên học phần cũ Tên học phần thay đổi (được xét tương đương/thay thế với học phần cũ) Mã HP Tên học phần Số TC LT TH BT Mã HP Tên học phần...

  • Chương trình bài giảng đại chúng tại Trường THPT chuyên Thăng Long 18/03/2024

    Trong sự phối hợp cùng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Khoa Toán – Tin học, Đại học Khoa học Tự Nhiên TP.HCM (VNUHCM) tổ chức buổi Bài Giảng Đại Chúng dành cho học sinh yêu mến toán học tại trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt. Thời gian:...

  • Thông báo thay đổi Phòng học (cập nhật) 13/03/2024

    Các học phần sau đây sẽ được thay đổi Phòng học, bắt đầu từ Thứ 4 (6/3/2024): 1. Số học và thuật toán: Thứ 4 tiết (1 - 4) từ phòng E105 chuyển sang phòng D211. 2. Cơ sở dữ liệu: thứ 4 tiết (6 - 8) từ phòng E105 sang phòng D103. 3. Tính toán di...

  • Webminar về huấn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên 09/03/2024

    Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng, nâng cao các làm việc và kỹ năng mềm cho sinh viên, UNDP - Miliman GAIN tổ chức chuỗi webminar thứ 2 với nội dung chính là tập huấn các kỹ năng mềm như viết CV, resume, xây dựng kế hoạch làm việc,... Chuỗi...

Nguyễn Hữu Việt Hưng
(Bài nói tại Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc, Tp Hồ Chí Minh 25-28/11/2005)


Tôi biết anh Nguyễn Hữu Anh 31 năm về trước trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Tháng 10/1974, có một nhóm các nhà Toán học từ Pháp tới Hà Nội giảng về Lý thuyết Kỳ dị và Tai biến trong một tháng trời, bao gồm B. Malgrange, F. Phạm, A. Chenciner, và Lê Dũng Tráng. Để chuẩn bị cho hoạt động đó, cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã viết một bài dài trên báo Nhân Dân giới thiệu về lý thuyết này. Cần nói rõ rằng hồi đó Miền Bắc nước ta chưa có nhiều báo chí như bây giờ, và chỉ những bài chính thống vào bậc nhất mới được in trên báo Nhân Dân. Lúc ấy tôi đang học năm thứ tư trong khoá đào tạo thời đó gồm 4 năm rưỡi tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lũ 3 đứa lớp tôi gồm Đặng Hùng Thắng, Đào Kiến Quốc và tôi được Khoa Toán cho phép nghỉ học chính khoá suốt tháng 10 để đi nghe những bài giảng nói trên.

Ba người giảng chính là Malgrange, Phạm, và Chenciner nối tiếp nhau giảng bằng tiếng Pháp, mỗi người một giờ mỗi buổi sáng. Riêng Lê Dũng Tráng thỉnh thoảng bổ sung một bài giảng, anh cố gắng nói bằng tiếng Việt, dù lúc đó tiếng Việt của anh chưa được trôi chảy như về sau này. Người nghe ngồi chật cả một phòng lớn ở tầng 3 toà nhà chính ĐHBK Hà Nội. Lúc ấy, không mấy người nghe được tiếng Pháp, nên chúng tôi cần phiên dịch. Hai phiên dịch thay phiên nhau, một là GS Đoàn Quỳnh và người thứ hai còn rất trẻ và lạ, tên là Nguyễn Hữu Anh, tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ mới về nước, làm việc tại ĐHBK Hà Nội.

Anh Nguyễn Hữu Anh nói tiếng Pháp (và, như sau này tôi được biết, cả tiếng Anh nữa) rất trôi chảy với một ngữ điệu đẹp. Khó khăn mà anh ít nhiều gặp phải lúc bấy giờ chính là phần tiếng Việt, lý do là vì các nhà toán học ở hai miền nước ta trong một thời gian dài trước năm 1975 đã dùng những thuật ngữ toán học rất khác nhau. Chẳng hạn, Không gian tôpô (miền Bắc) cũng được kêu bằng Đồ hình vị tướng (miền Nam), Không gian tôpô compact địa phương là Đồ hình vị tướng áp súc cục bộ, Môđun được kêu bằng Gia quần, Môđun con là Tiểu gia quần... (Chữ này thật khó cho những người nói giọng Hà Nội như tôi.)

Sau tháng 10/1974, được khích lệ bởi loạt bài giảng nói trên, ở Hà Nội trong một thời gian dài có một xêmina do các giáo sư Đoàn Quỳnh, Hoàng Hữu Đường, Phạm Ngọc Thao, Phan Đức Chính, Nguyễn Hữu Anh... chủ trì. Xêmina làm về một số vấn đề hiện đại của toán học: Nhóm Lie và Đại số Lie, Lý thuyết biểu biễn, Hình học Riemann toàn cục, Lý thuyết Kỳ dị... Trong xêmina, tôi có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với anh Nguyễn Hữu Anh. Tôi được biết anh đã học đại học tại Sài gòn (1963-66), nơi anh chịu nhiều ảnh hưởng của GS Đặng Đình Áng, lấy bằng tiến sĩ tại University of California, Los Angeles (UCLA) (1967-69) dưới sự hướng dẫn của GS D. Babitt (ông này trong nhiều năm làm Tổng biên tập tạp chí Pacific Journal of Mathematics), rồi làm postdoct tại Princeton (1969-71) với GS Harish Chandra, sau đó anh tiếp tục làm postdoct một thời gian ở Queen’s University, Canada (1971-73) trước khi về nước năm 1974, lúc anh 29 tuổi.

Sinh viên ĐHBK Hà Nội hồi đó truyền tai nhau rằng thầy Nguyễn Hữu Anh thường gặm bánh mì ngay trong phòng thi, để hỏi thi thông tầm từ sáng đến tối. Rất nhiều sinh viên bị thầy đánh trượt.

GS Đặng Đình Áng và nhiều người từng ở Đại học Khoa học Sài gòn đánh giá anh Nguyễn Hữu Anh ngày xưa là sinh viên xuất sắc nhất của Khoa Toán đại học này trong suốt mấy chục năm. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở UCLA không phải anh Anh đã tham gia phản chiến ngay từ đầu. Nhưng dần dần, chính hệ thống truyền thông của nước Mỹ đem cuộc chiến tranh Việt Nam tới từng đầu giường ngủ đã đưa anh đến với phong trào phản chiến. Ngày ngày tivi Mỹ đặc tả những trận càn, xóm làng miền Nam Việt Nam tan hoang, lính Mỹ và lính Sài Gòn cứ chiều tối lại ôm càng trực thăng bỏ chạy... Thế rồi anh Anh xuống đường với phong trào phản chiến. Tôi đã thức nhiều đêm ở Berkeley để nghe một người bạn của anh trong phong trào sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, anh Đoàn Hồng Hải, kể về những năm tháng hào hùng của các anh.

Rời bỏ nước Mỹ, đất nước có mức sống rất cao và nền khoa học hàng đầu thế giới, để về Việt Nam, mà về Hà Nội khi đất nước còn chia cắt, chứ không phải Sài gòn, nơi anh sinh ra và lớn lên, anh Nguyễn Hữu Anh đã có những quyết định mà chắc chắn bất kì ai cũng không thể chọn lựa một cách dễ dàng. Tôi thấy anh Nguyễn Hữu Anh có một cuộc đời không bằng lặng. Vậy mà anh dường như không có gì phải dằn vặt, lúc nào cũng hồn nhiên, hồ hởi, chân thành. Anh như một ngọn nến bình thản cháy mà tôi và nhiều bạn bè cùng thế hệ thường nhìn vào để bình tâm lại mỗi khi chúng tôi phải vật lộn với những sự chọn lựa.

Khi còn sống độc thân ở ĐHBK Hà Nội, anh Nguyễn Hữu Anh được phân căn gác lửng ở tầng một-rưỡi một toà nhà gần sân vận động của trường (Đông Dương học xá cũ). Đó là căn gác rộng chừng 8-9 mét vuông, ở chiếu nghỉ cầu thang nằm giữa tầng một và tầng hai. Một vài lần tôi đã tới thăm anh ở căn gác đó. Nhưng khi ấy tôi chưa biết ở những nước phát triển thì người ta thường sống trong những chỗ như thế nào, cho nên tôi cũng không biết rằng sống như thế là bình thường hay là phi thường. Chính trong căn gác đó, anh Nguyễn Hữu Anh đã viết bài báo mà sau này được in trên Annals of Mathematics. Đó là tạp chí toán học số 1 trên thế giới. Và bài báo của anh Nguyễn Hữu Anh cho tới nay vẫn là bài duy nhất của một người Việt viết trong lúc đang sống và làm toán trong nước, được in trên Annals. (Có một thực tế là tạp chí này thường ít khi đăng bài của những người chưa từng ở Princeton và không có quan hệ chuyên môn khăng khít với một giáo sư nào có thế lực ở đó.) Chúng ta đã có dịp bàn về chất lượng và số lượng trong khoa học. Chỉ xin nhắc lại một sự thật hiển nhiên là chất lượng chứ không phải số lượng của các công trình chính là cái tạo nên đẳng cấp của một nhà toán học, và rộng ra, tạo nên diện mạo của một nền toán học. Hãy tự hỏi lòng mình xem nếu được quyền chọn lựa giữa một bên là làm tác giả của một trong những bài thơ như Hoàng hạc lâu (Thôi Hiệu), hay Đề đô thành Nam trang (Thôi Hộ), hay Phong kiều dạ bạc (Trương Kế) với một bên là làm tác giả của cả một tập thơ dày cộp vẫn thường được in ra sau những cuộc thi thơ gần đây thì ta sẽ chọn cái gi.

Năm 1978, anh Nguyễn Hữu Anh cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn. Trong nhiều năm anh làm Chủ nhiệm Bộ môn Đại số, Chủ nhiệm khoa Toán ĐHKH thành phố Hồ Chí Minh, và hiện nay là Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi tin rằng một người có trình độ cao, hiểu biết tường tận về lối đào tạo theo chứng chỉ của Mỹ và có quan hệ quốc tế rộng rãi như anh Nguyễn Hữu Anh nếu được đặt vào cương vị Hiệu trưởng sẽ rất có lợi cho trường đại học ấy.

Trong những năm 1980, anh nhiều lần được đồng nghiệp mời sang Mỹ trao đổi khoa học. Lúc đầu thì phía Việt Nam không cho anh đi, nguyên do là vì anh có một bà chị di tản sang Mỹ. Về sau, khi phía Việt Nam cho anh đi thì phía Mỹ lại không cấp visa, bởi vì họ vẫn còn “ghi sổ đen” những hoạt động phản chiến của anh. Mãi sau này, nhờ có một Thượng nghị sĩ Mỹ can thiệp, anh mới có những chuyến trở lại trao đổi khoa học với các đồng nghiệp Mỹ.

Nhân những lúc trà dư tửu hậu mà chuyện phiếm, một số anh em ở ĐHTH Hà Nội (cũ) chúng tôi thường ví các nhà toán học với rượu, một sự so sánh đầy kiêu hãnh. Rượu là thứ thú vị bậc nhất trên đời này. Đó là sự pha trộn không biên giới của nước và lửa, của ngọt ngào và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. Trong ví von đó, các nhà toán học Việt Nam chủ yếu thuộc về hai dòng: Toán học Quốc doanh và Toán học Quốc lủi. Rượu Quốc doanh do nhà nước sản xuất, có tính “chính thống”, với nhãn mác qui chuẩn; còn rượu Quốc lủi (dân Miền Nam gọi là rượu đế) do nhân dân nấu trộm, nên nó “dân dã”, và cũng vô danh như nhân dân vậy. Chữ Quốc lủi còn đồng âm với Cuốc lủi, tên một loài chim đầy nỗi niềm thường lẩn trốn rất nhanh. (“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.” – Bà Huyện Thanh Quan). Đáng tiếc là ngày nay các nhà toán học quãng dưới 40 tuổi nói chung không còn hiểu nghĩa các chữ Quốc doanh và Quốc lủi cùng hoàn cảnh ra đời của những khái niệm này.

Mấy anh em dòng Toán học Quốc lủi chúng tôi mạn phép cho rằng anh Nguyễn Hữu Anh cũng thuộc dòng toán học này. Không biết anh Anh có chia xẻ ý tưởng này và lượng thứ cho sự tếu táo của chúng tôi hay không?

Mới đó mà anh Anh đã 60 tuổi. (Anh sinh ngày 7/4/1945.) Dạo đầu năm, tôi nghĩ rằng trong năm nay tôi sẽ không có đủ thời gian để viết về những kỉ niệm với anh. Tôi tự an ủi là tôi đã có một bài báo với lời mừng thọ anh in trên Transactions Amer. Math. Soc. 357 (2005), 4065-4089.

Năm nay tôi bận và mệt quá, vì phải làm nhà. Hơn 50 tuổi mà còn để vợ con phải sống trong một căn nhà cấp 4, tôi tự thấy mình có tội. Trong câu thơ Xuân Sách viết về Hữu Loan, tác giả của “Màu tím hoa sim”: “Cho đến khi tóc bạc da mồi / Chưa làm được nhà, còn bận làm người” tôi như thấy có một phần cuộc đời mình. Nhưng khi năm 2005 sắp hết, tôi tự thấy không thể yên lòng nếu không viết bài này.

Anh Nguyễn Hữu Anh là một người sành ăn và sành rượu vang. Khổ một nỗi, ngày nay ở nước ta các thứ vang nổi tiếng, như Bordeaux chẳng hạn, thường bị làm giả. Anh Anh có lần nói đùa: “Khi các em mang rượu vang ra thì phải sờ đít ngay, đít bằng thì dỏm đít lõm thì nghiêm” Đó là cái đít chai rượu. Nhưng ngay cả cách chọn rượu rất tài hoa đó cũng nhiều khi không giúp người ta tránh được rượu rởm. Vì thế mà một năm đôi lần anh Nguyễn Hữu Anh và tôi gặp nhau, chúng tôi thường tránh những loại vang đã được xem là có mác chuẩn, mà dùng vang California, vang Chilê... Những thứ vang quê kệch này còn vô danh, cho nên không bị làm giả. Anh Anh còn nhớ cái chai vang đỏ Chilê mà anh em mình uống ở quán Hot Rock không? Đậm chát vị nắng Chilê dân dã phải không anh?

Hà Nội, mùa nắng hanh 2005

Nguyễn Hữu Việt Hưng