Tin mới

Những bài học lớn từ thầy Đặng Đình Áng

Nguyễn Hữu Anh và Đặng Đức Trọng, Trường ĐHKH Tự Nhiên Tp Hồ Chí Minh

Quyển Kỷ yếu “Trong ngần bóng gương” kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của GS Đặng Đình Áng có giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Thầy, các giai thọai về Thầy, và những kỷ niệm sâu sắc của các học trò và bạn bè, đồng nghiệp của Thầy. Vì thế trong bài phát biểu này, tôi sẽ không nhắc đến các chi tiết ấy mà chỉ xin rút ra 4 bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy :

1/ Bài học thứ nhất là để thành công trong công việc gì, nhất là trong sự nghiệp cả đời, cần phải có quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng vẫn phải luôn tự đổi mới. Trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu, Thầy luôn luôn tập trung vào lãnh vực chính là Giải tích Toán học qua hơn 120 bài báo đã công bố, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới nội dung nghiên cứu Giải tích ở từng thời kỳ, bất kể tuổi tác của Thầy.

Xin nhắc lại rằng, Thầy vốn là một kỹ sư hàng không và được đào tạo về Toán Ứng dụng (Cơ học Môi trường liên tục) ở tại Học viện Công nghệ California CalTech. Tuy nhiên, đầu những năm 60 thế kỷ trước Thầy về Saigon dạy học, và để mang đến cho anh em chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết lúc bấy giờ qua các môn Topo, Giải tích Hàm, Giải tích Thực , Thầy đã phải cố gắng tự nghiên cứu rất nhiều. Quả thực anh em chúng tôi trong thế hệ sinh viên đầu tiên,đã rất thích thú tiếp thu những kiến thức mới này, và nhất là phương pháp dạy học bình dị của Thầy: Thầy luôn luôn khuyến khích anh em chúng tôi tự học, tự nghiên cứu hơn là nhồi nhét kiến thức, kết quả là cả chục sinh viên đã dược Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp gửi đi đào tạo tiếp ở nước ngoài và đã đạt được những thành công nhất định.

Đến những năm 70, ở tuổi bước qua “tứ thập nhi bất hoặc” để đi vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu sang lãnh vực Giải tích Toàn cục, Lý thuyết Điểm Bất động và Phương trình Vi-tích phân. Kết quả là một lọat luận án Tiến sĩ đầu tiên do Thầy hướng dẫn đã ra đời, trong đó luận án của GS Dương Minh Đức là luận án Tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ ở phía Nam sau năm 75.

Sang những năm 80 của thế kỷ trước, dù đã bước vào tuổi 60, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu. Lần này Thầy chuyển hướng sang nghiên cứu về Phương trình Đạo hàm riêng, giải quyết những Bài toán ngược, Bài toán không chỉnh. Hơn phân nửa các công trình nghiên cứu của Thầy đã được công bố trong giai đoạn này. Trong số những người bảo vệ luận án Tiến sĩ trong giai đoạn này và tiếp tục nghiên cứu thành công có thể kể đến Đặng Đình Hải và Lê Khôi Vỹ, hiện đang giảng dạy ở Mỹ và Đăng Đức Trọng, hiện là Trưởng Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng ở tuổi 70 sang 80, các công trình về Phương trình của Thầy Áng đã hướng tới với Cơ học, tình yêu đầu đời của mình. Thầy đã cùng các học trò và đồng nghiệp công bố trên 20 bài báo trong đó sử dụng công cụ Phương trình tích phân phi tuyến, phương trình đạo hàm riêng để giải các bài toán thú vị trong Cơ học và Địa Vật lý.

Cũng cần nói thêm các kết quả to lớn Thầy đã đạt được đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền Toán học ở miền Nam, và qua đó góp phần phát triển nền Toán học của cả nước. Thật vậy trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi Trường Đại học Khoa học Saigon còn phôi thai, nước Pháp tuy có gởi sang ta những Giảng viên Toán giỏi, nhưng họ chủ yếu dạy cho sinh viên Việt Nam cách học để thi cử. Thầy Áng đã đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu trình độ cao về lĩnh vực Bài toán ngược và Phương trình Đạo hàm riêng. Giám Đốc ĐHQG Tp. HCM luôn mong mỏi hình thành được các trường phái nghiên cứu khoa học của ĐHQG có đẳng cấp quốc tế. Giáo sư Đặng Đình Áng đã thành công trong việc xây dựng một trường phái như vậy về bài toán ngược và phương trình đạo hàm riêng tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp. HCM. Vì xuất thân là kỹ sư hàng không, lối giảng dạy của thầy Áng mang tính ứng dụng rất cao. Vì thế, trường phái Toán học tại Tp. HCM có đặc điểm lớn là hướng rất mạnh sang lĩnh vực Ứng dụng Toán học

2/ Bài học thứ hai là bài học về quan điểm giảng dạy. Khi Thầy về nước, ngoài những kiến thức mới như đã nói trên, Thầy còn mang về một phương pháp học tập mới: đó là tự học và tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Các sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vừa đủ để tham gia nghiên cứu khoa học. Các kiến thức cơ bản không học dàn trải một cách tràn lan như nhiều người vẫn nghĩ, thầy thường nói “học nhiều thối óc”. Chỉ khi đã đạt mức độ sâu trong lĩnh vực nghiên cứu mới mở rộng hay chuyển sang lĩnh vực khác. Tôi còn nhớ ngay khi học năm Thứ Ba, ngoài những môn quen thuộc, chúng tôi còn ghi tên học các môn MA I và MA II (Toán học thâm cứu). Thầy đã giao cho chúng tôi đọc các tài liệu rất mới Thầy mang từ Mỹ về như Đại số hàm, Đại số các hàm giải tích là các hướng nghiên cứu rất thời thượng lúc bấy giờ. Các năm sau đó cũng vậy, Thầy luôn luôn giới thiệu cho sinh viên những vấn đề rất mới, qua đó giúp cho những người làm Toán ở miền Nam được tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại. Mặt khác, với uy tín khoa học của Thầy và qua đông đảo bạn bè, Thày đã thành công trong việc mời nhiều nhà Toán học có uy tín trên thế giới tham dự các kỳ Hội thảo quốc tế do Thầy tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao vị thế của nền toán học Việt Nam trên thế giới và khu vực. Truyền thống sinh viên tham gia nghiên cứu sớm ngày nay vẫn còn được tiếp tục tại Khoa Toán-Tin học, các sinh viên giỏi khi ra trường đã có thể có một hay hai bài báo quốc tế.

3/ Bài học thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là cách xử thế tuyệt vời của Thầy. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án Tiên sĩ cấp Nhà nước, và đăc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuôc họp của Hội đông ngành Toán. Mặt khác, Thầy luôn luôn vun đắp và mở rông các mối quan hệ bạn bè. Từ tình bạn lâu đời với GS L. Knopoff ở UCLA, GS E. Hewitt ở Washington State University, hay GS D. Daykin ỡ Nanyang University, nay là ĐH Quốc gia Singgapore vào những năm 50, 60, đến các quan hệ bạn bè mới sau này như với các GS Alain Phạm, K. Smith, R. Gorenflo, …, Đối với họ, Thầy không chỉ là bạn bè mà còn là cộng tác viên trong những công trình nghiên cứu Toán học. Kể cả những người chỉ thoáng gặp qua Thầy như GS P. Cartier, cố GS M. Boujot, họ luôn giữ tình cảm trìu mến với Thầy nhiều năm sau này.

Trong nước, Thầy là một trong số ít nhà Toán học được giới Toán học cả hai miền quý mến. Từ cố GS Lê Văn Thiêm trước đây đến các GS Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu và sau này các GS Nguyễn Duy Tiến, Hà Huy Khoái, Trần Văn Nhung, Ngô Việt Trung và Nguyễn Hữu Việt Hưng, họ luôn nhắc đến Thầy với lòng quý trọng.  

Có lẽ để đạt được kết quả này, ở Thầy đã tỏa ra tinh thần thân ái bao la. Đây có thể do ảnh hưởng của Nho gia, mặc dù Thầy theo tân học. Nổi trội nhất trong ảnh hưởng của Nho giáo, qua cách xử thế của Thầy, có lẽ là Đạo Trung Dung. Thật vậy, ở Thầy, Đạo Trung Dung đã được thể hiện một cách tự nhiên và đúng mực nhất. Có lẽ nhờ vậy mà Thầy luôn luôn giữ được thăng bằng, thoát khỏi các cuộc mâu thuẫn kéo dài để có thể tập trung vào chuyên môn. Khi nói đến một con người, Thầy luôn nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp ở họ hơn là chỉ nhĩ đến điều xấu. Thầy hay nói “arsenic tuy là một chất độc, nhưng vẫn được dùng để chữa răng”.

4/ Bài học cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là nhân sinh quan lạc quan của Thầy. Có lẽ nhờ đó mà Thầy đã vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống đầu những năm 60 thế kỷ trước và năm 1975, khi Thầy có cơ hội xuất cảnh ra nước ngoài, nhưng đã chọn ở lại với đất nước, với học trò và đồng nghiệp. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà Thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80. Trong lúc điều kiện làm việc không thuận lợi, Thầy vẫn vui vẻ dạy học trò và hàng ngày lấy việc đi bộ ra chợ làm thú vui nho nhỏ. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình. Những năm gần đây, khi ngồi uống rượu vang với tôi, Thầy hay nói “mình ở đây sướng thật!”

Và có lẽ cũng với tinh thần lạc quan đó, Thầy đã lấy các buổi hòa nhạc, nhất là các buổi hòa nhạc của Câu lạc bộ Hoa sen để tô thêm nét đẹp cho các kỳ Hội nghị Quốc tế mà Thầy đứng ra tổ chức. Ở Thầy việc thổi sáo đã được nâng lên từ thú vui tao nhã thành một nghề chơi cũng lắm công phu.

Với phong cách làm việc và sống như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng kết ở tuổi 80, Thầy đã có hơn 120 bài báo, phần lớn đăng trên các tạp chí và kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, Thầy đã được mời đi thỉnh giảng từ Mỹ đến Châu Âu, Từ Nhật Bản đến một số nước Đông Nam Á. Bạn bè Thầy có ở khắp nơi và vẫn còn giữ liên lạc với Thầy. Cho đến gần đây, nhiều người vẫn sắp xếp đến dự các Hội nghị Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống riêng của Thầy cũng rất hạnh phúc. Thầy với Cô sống với nhau hơn 60 năm, qua cái tuổi mà người ta vẫn tổ chức “Đám cưới Vàng” và “Đám cưới Kim cương”. Thầy hay nhắc lại câu chuyện: khi Thầy nhận được bằng Ph.D ở CalTech thì Cô cũng nhận được bằng Ph.T (Put your husband through) trên đó có chữ ký của Thày. Thầy và Cô có năm người con thì ba người đã theo đuổi sự nghiệp Toán học. Cô con gái đầu và cô con gái út tuy theo ngành khác nhưng có chồng lại là những người làm Toán.

Tóm lại, có thể nói rằng Thầy là một Sĩ phu Bắc hà nhưng đã thành danh và hoàn danh ở Saigon-TP.Hồ Chí Minh.

Đến đây, tôi xin mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ để gửi tặng Thầy:

Nhà nước yên mà Sĩ được thung dung,

Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch,

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,

Tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn,

Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,

Đồ thích chí chất đầy trong một túi,

Măc ai hỏi măc ai không hỏi tới,

Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,

Này này Sĩ mới hoàn danh.

 

Thông Tin Toán Học, Tập 15 Số 03, Tháng 09 năm 2011

Hội Toán Học Việt Nam