Dưới đây là trích bài viết tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc của Giáo sư Bùi Trọng Liễu (nguyên giáo sư Đại học Paris). Bài được VietNamNet đăng lại ở đâyđây. Bản gốc ở đây.

Cố nhân

 

Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc
Thiếu tướng – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Ngọc (7-2005). Ảnh Trọng Chính (nguồn: Báo ảnh VN)

Trả lời một phỏng vấn, Thiếu tướng Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã nói: "Tôi không muốn nói về tôi mà đơn giản chỉ là tâm sự của một thế hệ. Thế hệ những người như tôi đã đi trọn cuộc kháng chiến trong đó không ít người đã vĩnh viễn nằm xuống". Anh Ngọc đã nói thế, tôi cũng nghĩ rằng khi kể chuyện về anh, tôi không chỉ kể về một cá nhân, một "cố nhân", mà kể rộng hơn thế; không phải là tôi vô tình lạc đề. Anh Ngọc là ai: điệp viên với bí danh "Ziệp Sơn", người cán bộ công an, nhà khoa học?

Tối 2/5/2006, vợ chồng tôi đang ăn cơm, thì có chuông gọi cổng: chị T. vợ anh, lại tìm chúng tôi, báo tin cho biết là anh Ngọc vừa mất sáng hôm đó, và chị và cháu H. (con trai duy nhất của anh chị) sửa soạn lên đường về dự đám tang. (Xin nói ngay là ở đây, tôi nói tới chị T., vợ còn định cư ở Pháp, chứ tôi không nói tới người khác). Mấy ngày sau, tôi được đọc một số bài báo trên mạng do bạn bè gửi cho. Có những tin đưa chính xác, có những tin đúng nhưng khó hiểu, có những tin đưa không đúng, qua những gì tôi đã được biết hoặc chứng kiến.

Bản tin của Ban chấp hành Hội Tin học Việt Nam, các Hội Tin học thành viên và gia đình, đăng 5/5/2006 trên tạp chí Tin học và Đời sống viết như sau:

Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học: NGUYỄN ĐÌNH NGỌC, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Tin học Việt Nam, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1932, quê quán xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, thường trú tại Phòng 402, nhà D3, Tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội; nguyên Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông – Tin học, Bộ Công An, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (BCĐ49), Bí thư Chi bộ Trường Đại học dân lập Thăng Long; Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân Lập Tây Đô - Cần Thơ; Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì An Ninh Tổ Quốc, Huy chương vì sự nghiệp các hội KHKT, Huy chương vì thế hệ trẻ; sau một thời gian lâm bệnh, […] đã từ trần hồi 8 giờ 56 phút ngày 2 tháng 5 năm 2006 (tức ngày 5 tháng 4 Bính Tuất) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an. Lễ viếng đã tổ chức từ 9 giờ 30 ngày 8 tháng 5 năm 2006 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu hồi 12 giờ 30 cùng ngày. Điện táng tại Đài hoá thân hoàn vũ, Hà Nội.

Điều quan trọng nhất đáng biết về anh Ngọc, tất nhiên là kết quả công tác điệp báo của anh, dưới bí danh "Ziệp Sơn", nhưng tiếc thay, các bản tin đều chỉ nói lướt qua. Thí dụ như có bản tin viết: "Trong vai trò một điệp báo viên, những tin tức ông cung cấp luôn chính xác, kịp thời và vô cùng quan trọng – thông tin về cuộc tập kích vào Trung ương cục Miền Nam, về việc năm 1975 Mỹ sẽ không quay lại… chỉ là một vài trong số rất nhiều những chiến công thầm lặng của điệp viên tài ba này". "Vô cùng quan trọng" mà chỉ vọn vẹn được mấy dòng đó sao? Hay là vì thời điểm hiện nay còn quá sớm để công bố chi tiết toàn bộ? Hay là những chi tiết này nằm trong các bản tuyên dương mà tôi không được đọc? Biết bao câu hỏi còn chưa được trả lời. Hẳn là vào tháng 4 năm 1975, đã có nhiều nguồn tin trái ngược về khả năng Mỹ quay lại can thiệp hay không; và những người chuyển những loại tin này gánh một trách nhiệm rất nặng vì nó ít nhiều liên quan đến quyết định cuối cùng của Bộ Chính trị mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi tò mò và mong một ngày nào được biết hết…

Trong khi chờ đợi, tôi xin được kể những gì tôi được biết về anh: vì ở anh, sau người điệp viên còn có người công an, sau người công an còn có nhà khoa học; khi người điệp viên đã chấm dứt công tác, người công an ở anh vẫn còn tiếp tục nhiệm vụ – như có người phóng viên đã viết về anh: "Có ai đó đã từng nói, bộ đội còn thời chiến thời bình chứ công an chẳng lúc nào ngơi nghỉ" – và khi người công an đã nghỉ hưu, nhà khoa học vẫn còn đeo đuổi công việc.

Về việc anh đam mê học hành, nghiên cứu khoa học, cũng trong cuộc phỏng vấn dẫn trên, anh nói: "Năm đó (1947) tôi còn rất nhỏ, cả hai bố con cùng bị giặc Pháp bắt. Biết mình sẽ bị đem đi hành hình, thay vì nói con trả thù cho bố, ông nói: “Con cố học và giúp người khác học, còn thiếu tri thức dân mình khổ đừng trách ai, chỉ nên tự trách mình”. Khi đất nước cho phép ngơi nghỉ thì tôi lại làm điều cha tôi đã dạy. Dạy học, nghiên cứu khoa học... tôi hiểu rằng, cuộc chiến giành lấy hạnh phúc, phồn vinh không thể thiếu tri thức". Rồi với câu hỏi của phóng viên: "Phải chăng thế hệ ông còn nhiều nỗi lo khi đã làm tròn sứ mệnh của mình với đất nước?", anh đã trả lời:
"Phải. Nó như cuộc chạy tiếp sức, thế hệ bố tôi đã làm tốt trọng trách đầu tiên tức là cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng để lại trên vai chúng tôi cả một gánh nặng. Và tất cả vẫn chưa kết thúc, sau 1975 tất cả những ai may mắn còn sống phải đi tiếp cuộc kháng chiến mới: cuộc kháng chiến chống sự tụt hậu về khoa học và công nghệ đòi hỏi các bạn trẻ cũng phải ghé vai gánh vác".

 Tôi không biết người phóng viên khi kể lại mấy lời này có lý tưởng hóa khung cảnh không, nhưng rõ ràng là nội dung của mấy câu trả lời của anh Ngọc là chí lý, và tôi hoàn toàn tâm đắc: mất nước ở thế kỉ 19, cũng vì thiếu tri thức; những năm đói rách, cùng cực, cũng vì thiếu tri thức; những đợt làm khổ nhau, cũng vì thiếu tri thức; giáo dục đào tạo bê bối, cũng vì thiếu tri thức; tham nhũng và để tham nhũng, cũng vì thiếu tri thức, vv. và vv.

Tôi đã có dịp kể trong cuốn sách "Tự sự của người xa quê hương": Tôi bị bệnh lao ngay mấy tháng sau khi đến Pháp, nên tôi "lê la" gần 7 năm trong các sanatoria và dưỡng đường cho các sinh viên ở Pháp. Vào khoảng năm 1955-1956, trong lúc tôi ở dưỡng đường ở Sceaux, thì anh Nguyễn Đình Ngọc cũng ở đó, và vì thế nên quen biết. Những điều như: về ông thân sinh anh ấy bị quân viễn chinh Pháp bắt và giết (1947), tôi có nghe anh kể thuở đó. Nhưng tất nhiên, việc anh làm điệp viên thì sau ngày giải phóng, tôi mới được biết.

Ở đây, chủ yếu tôi chỉ nói đến những gì tôi đã nghe kể và/hoặc chứng kiến:

Lúc sang Pháp, thì anh Ngọc đã có vợ, chị T., và ở Pháp anh chị ấy sinh một con trai, cháu H. Theo như tôi được biết, chị T. thuộc một vọng tộc: mẹ chị T. là cháu nội hoàng giáp Đặng Văn Thụy, con gái phó bảng Đặng Văn Hướng – quan to của triều đình Huế, sau đi kháng chiến và một thời là Bộ trưởng của Chính phủ cụ Hồ trong kháng chiến, nhưng chết trong đợt Cải cách ruộng đất. Như vậy là chị T. là cháu gọi ông Đặng Văn Việt bằng cậu – ông Đặng Văn Việt người chỉ huy bộ đội vùng biên giới, người của con "đường số 4 anh hùng", và của chiến dịch biên giới phá các binh đoàn Lepage và Charton vv. Mẹ chị T. lại là cháu ngoại của cử nhân Hoàng Đạo Phương, là một thương gia giàu có ở Hà Nội thuở xưa; ông Phương lại đồng thời là anh của ông Hoàng Đạo Thúy (người anh cả của Hướng đạo Việt Nam, một lúc là giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn thời Dân chủ Cộng hòa, rồi chủ nhiệm Truyền tin, quân hàm đại tá quân đội nhân dân)

 Mẹ chị T. mất sớm, bố chị T. đi kháng chiến – trước ông là công chức bưu điện thời Pháp thuộc, sau Cách mạng là cán bộ cao cấp ngành công an – sáu chị em chị T. sống với ông bà nội Trịnh Hữu Thăng, tiến sĩ tại gia (không ra làm quan) ở quê, vùng Nam Định; đến khoảng năm 1951 quân viễn chinh Pháp càn quét dữ quá, gia đình mới gửi chị em chị T. vào Hà Nội sống với một bà dì (em mẹ chị T.), bà này là vợ ông Phan Huy Quát. Ông Quát từng làm tổng trưởng giáo dục (1949), quốc phòng (1950, 1954), ngoại giao (1964) của chính quyền Bảo Đại trong vùng tạm chiếm, thủ tướng mấy tháng năm 1965..., sau 1975 chết trong trại cải tạo. Anh Ngọc học trường trung học Chu Văn An ở Hà Nội, là học sinh giỏi cùng học với ông Phan Huy Lương nên quen với gia đình ông Phan Huy Quát (ông Lương là em ông Quát).

 Vào giai đoạn từ cuối năm 1951 đến 1954, do tướng De Lattre de Tassigny, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương, bắt đầu có lệnh động viên trong vùng tạm chiếm . Anh Ngọc tránh quân dịch, nên ra vùng kháng chiến, rồi tại đó, năm 1952, anh học lớp "điệp báo ở sở công an Liên khu IV" (như chính anh viết trong bài đăng trong cuốn sách "Giáo sư Lê Văn Thiêm", nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2003), rồi: " […] Bắt đầu từ Giám đốc Công an Liên khu 4, Nguyễn Hữu Khiếu, (anh) được (Bộ trưởng Bộ Công an sau này) Trần Quốc Hoàn để mắt tới và quyết định đào tạo "đánh" anh vào lòng địch tại miền Nam dưới sự điều khiển đơn tuyến từ miền Bắc tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam", như một đoạn bài báo "Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc: Vinh quang là lặng lẽ" đăng trên báo Công An Nhân Dân trên mạng, viết ngày 9/5/2006. Anh vào Nam, theo học ở Đại học Sài Gòn và cưới chị T. vào năm 1955. Anh sang Pháp cuối 1955 vì có được học bổng để sang học về Khí tượng, rồi chị T. cũng sang Pháp đầu 1956; cuối năm chị sinh cháu H. ở Pháp.

Ở Pháp, anh Ngọc học lấy được 3 bằng kỹ sư và bằng tiến sỹ cấp ba (doctorat de 3ème cycle) về Khí tượng. Mấy năm sau, anh và tôi soạn luận án tiến sĩ nhà nước về Toán, ở Đại học Paris cùng thời, nhưng không cùng ngành.

Anh bảo vệ luận án dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ehresman, dưới đề tài "Sur les espaces fibrés et les prolongements" (Về không gian phân thớ và thác triển), thuộc ngành tô-pô và hình học vi phân. Tôi bảo vệ luận án năm 1962, anh Ngọc bảo vệ năm 1963 và anh có làm giáo sư ở Đại học Poitiers, rồi ở Đại học Brest ở Pháp một thời gian.

Cái thuở còn soạn luận án, rồi đi dạy ấy, chúng tôi khá thân, nhưng tất nhiên tôi không biết anh là điệp viên. Anh chị Ngọc và vợ chồng tôi thời ấy cùng sống ở Antony, ngoại ô nam Paris, nhà ở chỉ cách nhau nửa cây số, gặp nhau luôn. Đi dạy ở địa phương xa hàng mấy trăm cây số – tôi dạy ở Lille cách Paris 200 km, anh ấy dạy ở Brest cách Paris 600 km – nhưng nhà vẫn ở vùng Paris, vì thuở ấy sinh hoạt khoa học phần lớn tập trung ở thủ đô Paris; các giáo sư đại học lại chỉ phải giảng bài 3 giờ/một tuần; lèo tèo hướng dẫn vài ba nghiên cứu sinh đồng thời lại là phụ giảng viên của mình ở đại học địa phương; ngành Toán lại không có phòng thí nghiệm, mình chỉ cần tập trung có mặt ở đó độ hai, ba ngày là đủ.

Cho nên thuở đó có cái tên gọi các giáo sư không cư ngụ tại chỗ là "turbo-prof " – (anh KV. đề nghị tôi dịch là "giáo sư vù": chợt đến rồi lại "vù" đi nhanh). Ai không sống trong khung cảnh đó thì dễ bị lẫn lộn và hiểu lầm: anh Ngọc không hề giảng dạy ở những nơi mà anh ấy học ở Pháp (trường Viễn thông, trường Hải công, Đại học Paris) như có phóng viên khẳng định. Về cái việc anh Ngọc học "dàn hàng ngang", chuyên môn này rồi chuyên môn nọ, tôi muốn nói một cách công bằng: theo tôi, không phải tại anh mắc cái tật của một số người Việt Nam, ưa học lấy càng nhiều bằng "là là" lại càng tự cho là oai, chứ không chịu (hay không có khả năng) học cao học sâu. Anh Ngọc có chủ ý khác.

Có lần anh tâm sự với tôi là: nước mình lạc hậu, thay vì cá nhân mình bỏ hết hơi sức "rặn" ra thêm được vài định lý để đăng nhiều bài báo, chẳng có ích gì thực sự; mình nên để công sức "nhập" những môn mới vào nước mình để giúp cho thế hệ sau mình có điều kiện tiến lên, còn tốt hơn. Về lý luận này, tôi có phần chia sẻ.

 Phóng viên tác giả của bài báo trên Công An Nhân Dân đã dẫn trên, còn viết: "Có lần ông kể với tôi, vì ông tự ái, tại sao người Việt Nam lại không thể giảng bài ở Pháp mà không nhìn vào giáo án. Thế là suốt nhiều đêm ông đã đọc và thuộc lòng giáo án đại học. Sáng hôm sau vào lớp, ông chỉ cầm một chiếc bút và thao giảng những kiến thức cao siêu trước sự ngạc nhiên của sinh viên nước ngoài".

Xuất phát câu chuyện chi tiết là như thế này: Vốn là thuở anh Ngọc và tôi còn học và soạn luận án, thì có một ông giáo sư ở Đại học Paris tên là ông G. Choquet, là một trong những "tổ sư" của ngành tô-pô. Xin nói qua về ông Choquet này. Ông ta vốn là bạn đồng khóa với ông L. Schwartz – người bạn thân thiết của Việt Nam mà tôi có dịp nói tới trong cuốn sách thuở trẻ ông Choquet học rất giỏi, thi vào thi ra, đều đỗ thủ khoa còn ông Schwartz thì lần nào cũng đỗ á nguyên, thứ nhì sau ông này; điều này ông Schwartz có kể trong cuốn hồi ký của ông . Nhưng ông Schwartz thì được huy chương Fields, ông Choquet thì không, tuy ông cũng là một cự phách trong làng Toán. Ông Choquet có một cách giảng bài khá đặc biệt, đó là vào giảng đường "tay không", không có giấy tờ, hồ sơ sách vở, tay trái bỏ vào túi quần, tay phải cầm phấn viết trên bảng, cả buổi không cần nhìn giáo án gì cả, rất gây ấn tượng cho sinh viên. Theo tôi, thì vị cũng có ý "trộ" thiên hạ. Bởi vì trí nhớ dù tốt đến đâu, cũng có giới hạn của nó, và tất nhiên đã nhiều lần vị nhớ lộn, giảng bài không trôi, phải xin lỗi lần sau giảng lại…

Ông Ngọc nhà ta cũng muốn làm như vậy, và tất nhiên "đi đêm có ngày gặp ma"; một bữa, cũng giảng bài lộn, bí không tìm ra đầu đuôi, phải khất sinh viên lần sau giảng lại. Nếu vì ngành điệp viên cần luyện trí nhớ – và đó là một cách luyện trí nhớ – thì tôi thông cảm, chứ coi đó là cách giảng dạy có tính thuyết phục, thì tôi không tin.

Thuở ấy, cái lần giảng lộn bài phải khất sinh viên, anh Ngọc có thú thật khi kể lại cho tôi nghe, và chúng tôi cười với nhau mãi. Thời đó, tôi chưa biết anh là điệp viên, nên chúng tôi có thảo luận về cách giảng dạy. Tôi thì cho rằng mình có bổn phận tôn trọng và nâng đỡ sinh viên – nhất là thời đó sinh viên còn chưa có phụ đạo, ít sách vở tài liệu, ít người có học bổng, một phần không nhỏ sinh viên lại là những người đã đi làm kiếm sống (giáo viên tiểu học, trung học, công chức, vv.) tới học thêm để tiến thân, mình không nên vì lòng tự ái cá nhân mà gây thiệt thòi cho họ. Bởi vì, theo tôi, có bài giảng soạn sẵn kỹ càng, đánh số thứ tự, định nghĩa hay định lý đọc ra phải chính xác từng chữ, từng ký hiệu, thì sinh viên mới tiếp thu dễ dàng, và như vậy họ dành được nhiều thì giờ để tham khảo thêm ngoài bài giảng. Nhưng đó là lý luận của người giảng dạy, không phải là lý luận trong khung cảnh của một… điệp viên.

Trở lại chuyện anh Ngọc và cái sứ mạng điệp viên của anh ấy; tôi chỉ nhớ là anh ấy thỉnh thoảng đi Thụy Sĩ "thăm bạn" (anh chị có một cặp bạn thân ở Thụy Sĩ; mãi sau này, khi gặp lại anh ấy ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1977, anh ấy mới kể cho tôi là Thụy Sĩ là đường dây liên lạc của anh ấy). Kể ra thuở ấy, tôi ngay thật không nghi ngờ gì, tuy bao nhiêu bài nhạc, bài hát miền Bắc mà tôi có được là do anh ấy cho mượn để thu vào máy, vv. Nhưng tôi đoán, thời ở Pháp là cái thời sửa soạn cho anh một cái vỏ, một địa vị cao để sau đó dễ lọt sâu; công tác của anh có lẽ chỉ thực sự bắt đầu khi anh đã trở về Sài Gòn, chứ ở Pháp có gì đâu mà tìm hiểu, có lẽ ngoại trừ việc anh tìm ra tung tích của người sĩ quan Pháp đã hạ lệnh giết cha anh.

Lại nhớ đã có lần (vào khoảng cuối 1959, đầu 1960) tôi hỏi anh ấy là tại sao anh ấy lại tham gia cái « hội ông Quân » mà không tham gia « hội ông Quế », anh chỉ cuời lảng mà không trả lời. Đầu đuôi câu chuyện như sau, tuy tôi không nhớ hết chi tiết, và có hỏi thăm những người cùng thời, nhưng cũng không ai nhớ rõ hết. Trước hết xin nói vài lời về hai ông này, đều là nhà toán học. Ông Phạm Mậu Quân bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước năm 1954 ở Đại học Paris. Ông Ngô Văn Quế, bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước năm 1966 cũng ở Đại học Paris. Ông Quế thì tôi có quen sơ sơ, ông Quân thì tôi biết nhiều hơn vì có lúc là đồng nghiệp ở Đại học Lille trong vài năm. Hội ông Quân lập ra – lâu ngày tôi không nhớ, nay hỏi thăm, có người bảo là hội đó mang tên « Science et Culture pour le Vietnam » (Hội Khoa học và Văn hóa cho Việt Nam) – thuở ấy bị/được coi là một hội phía hữu, một phần vì ông Quân lúc đó không ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một phần có lẽ tại ông lấy em gái ông Phạm Khắc Hy, đại sứ của của chính quyền ông Diệm ở Pháp (sau này ông bà ly dị). Hội do ông Quế làm hội trưởng, mang tên là « Association des Etudiants Vietnamiens en Science et Technique », (Hội sinh viên Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp), gần phong trào Việt kiều – nghĩa là nếu dùng đúng ngôn ngữ một thời, đó là một « tổ chức quần chúng » của Nhóm Việt Ngữ – được thành lập khoảng cuối năm 59, đầu năm 60, sau khi hội Liên hiệp Việt kiều bị chính phủ Pháp của ông De Gaulle cấm. Còn Nhóm Việt Ngữ (sau này đã giải tán), là nhóm cốt cán của phong trào Việt kiều ở Pháp; tôi không tham gia nhóm này, nhưng có được nghe nói tới; sự tích của nhóm này có được kể trong cuốn hồi ký của đại sứ Võ Văn Sung. Vì thế « Hội ông Quế » được coi là hội phái tả. Tôi không tham gia hội ông Quân vì tôi coi chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng nên và chính quyền ông Diệm nối theo là không « chính thống/đáng » (légitime); tôi cũng không tham gia hội ông Quế vì lúc đó tôi nghĩ rằng tôi đã đi làm, không phải là sinh viên. Tôi hỏi anh Ngọc tại sao anh chọn tham gia hội ông Quân mà không tham gia hội ông Quế, vì lúc đó vấn đề ý thức hệ đặt ra rất nặng. Sau này tôi mới biết là anh Ngọc cần củng cố cái vỏ cho công tác của anh ấy sau này.
 
Cũng có một câu chuyện tình cờ xảy ra, làm anh chị ấy bị nghi oan. Có một lần, anh ấy để chị và cháu đi « trại hè » do phong trào Việt kiều ở Pháp tổ chức. Chẳng may vào dịp đó, có mấy sinh viên du học ở Pháp bị chính quyền ông Diệm cắt chuyển ngân. Từ đó, có sự suy luận là anh chị ấy làm «chỉ điểm cho địch ». Thực ra đó chỉ là một sự trùng khớp ngẫu nhiên, nó không nằm trong sự cố tình tạo ra cái vỏ chống cộng, bởi vì có cái đạo lý « không gây hại cho cá nhân người khác ». Còn tôi thì đã có một lần tới sứ quán ông Diệm ở Paris để … phản đối việc cắt chuyển ngân của sinh viên du học.
 
Đến năm 1963, sau cuộc đảo chính lật ông Diệm, ông Phạm Hoàng Hộ làm tổng trưởng (bộ trưởng) Giáo dục trong chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ ở Sài Gòn; ông có lời kêu gọi sự hợp tác của trí thức Việt kiều. Nhân chuyến công du sang Pháp của ông Hộ, có một buổi gặp gỡ (một bữa ăn) với một số trí thức Việt kiều, tôi không nhớ anh Ngọc có dự hay không, có thể là có. Riêng tôi có được ông Phạm Mậu Quân rủ đi – lúc đó tôi đang là đồng nghiệp của ông Quân ở Đại học Lille – nhưng tôi từ chối vì lẽ đã kể trên, vả lại thêm vào đó, ông Quân còn bảo tôi là buổi dự chỉ có những người « ở trên », nên tôi thấy « không ổn », vì tôi không nghĩ rằng có bằng cấp và có địa vị xã hội nào đó, là « ở trên » người khác. Ông Quân vốn là người Việt Nam đầu tiên làm luận án dưới sự hướng dẫn của ông Lichnérowicz, giáo sư ở Collège de France  nên ông ấy cho cảm tưởng là ông muốn đóng một vai trò « trưởng tràng » nào đó đối với những người Việt Nam làm luận án với nhóm ông Lichnérowicz. Anh Ngọc và tôi là ngoại đạo, nên không liên quan.
 
Thời còn ở Pháp, anh Ngọc cũng quen biết nhiều người Việt Nam, và anh cũng có cái tài nhẫn nhục làm quen. Vào khoảng 1965-66 có ông NVH ở Huế cũng sang Paris soạn luận án tiến sĩ nhà nước dưới trướng ông Lichnérowicz kể trên. Ông NVH này cũng là một nhân vật đặc biệt, không gây thiện cảm, nên trong đám những người Việt Nam làm Toán, ít ai làm quen với ông ta, trừ anh Ngọc, làm thân được với ông này.  Khoảng cuối 1968, sang 1969 (tôi không nhớ kỹ thời điểm) có một lá thư kêu gọi trí thức Việt kiều về hợp tác ở miền Nam do ông NVH viết; và để gây tính thuyết phục hơn, ông ấy kể trong thư rằng ông ấy có được sự nhận lời của giáo sư R. Thom, sẽ sang thỉnh giảng ở Đại học Huế, « mà không nhận thù lao ». (Ông Thom, huy chương Fields, giáo sư ở Institut des Hautes Etudes Scientifiques, Pháp). Lúc đó tôi lấy làm lạ, vì hầu hết các nhà khoa học đặc biệt là các nhà toán học, ở Pháp nói chung đều ủng hộ miền Bắc; tôi hỏi ông Thom là có đúng là ông nhận lời đi Huế thỉnh giảng không, thì ông ta cười trả lời tôi rằng: « Tôi có biết người này là ai đâu, mà bảo rằng tôi nhận lời đi dạy Huế ! ». Có những người Việt Nam « bạo » khiếp, dám khẳng định những điều nghe tưởng như thật.

Tháng 2 năm 1966, bỗng nhiên anh Ngọc lấy quyết định về Sài Gòn (sau này mới biết là anh ấy được trao nhiệm vụ như vậy). Tôi thì hết sức can, lại nhân dịp có cậu họ tôi là người trong ngành ngoại giao của chính quyền Sài Gòn đi qua Pháp, tôi có mời cơm để cậu tôi khuyên anh ấy đừng về; anh ấy chỉ cười và cảm ơn.

Bài báo Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006 đã dẫn, cũng là bài báo duy nhất trong nước mà tôi đọc thấy, viết lướt về vợ con anh Ngọc: "Chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng vô cùng cam go, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, ông cũng không ngờ chuyến trở về tạm biệt vợ con ngày đó... trở nên xa vời mãi mãi...", nhưng bài báo không nói tại sao lại xa vời mãi mãi. Tôi thấy cần công bằng nên xin nói thêm những điều tôi biết.

Thuở anh Ngọc rời Pháp về Sài Gòn, tôi không hiểu vì lý do gì chị ấy và cháu không về, mà ở lại Pháp; sau này tôi mới nghe kể là – trái với lời đồn một thuở – chị T. biết công tác điệp viên của anh ấy ngay từ ngày vợ chồng mới lấy nhau. Anh Ngọc lấy quyết định về một mình, vì sợ nguy hiểm cho chị T. và cháu, có thể bị bắt làm con tin, nếu công tác bí mật của anh ấy bị lộ. Rồi anh ấy về giảng dạy ở Đại học Sài Gòn. Có những điệp viên đóng vai thượng lưu, chơi chim chơi chó, cà-phê, sâm banh; còn anh Ngọc đóng vai một ông trí thức gàn dở, vốn đã có sẵn có khi còn ở Pháp, nhưng lại càng lộ cái gàn dở hơn nữa khi về Sài Gòn. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: khi phải đóng một vai trò gàn dở, con người dần dần có thể biến thành cái nhân vật mình đóng, tựa hồ như luôn luôn phải "tự quất" mình (autoflagellation) không?

Anh thường để lại hình ảnh một con người khắc khổ, ít hưởng thụ, không thích ăn ngon mặc đẹp, ngày ăn một bữa, làm việc đến kiệt sức té xỉu, rất chặt chẽ trong việc chấm điểm bài vở cho sinh viên, vv. Ngó anh, tôi không khỏi nghĩ tới hai câu thơ Nguyễn Khuyến trong bài "Mẹ Mốc": "Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc. Tâm trung thường thủ tự kiên kim", (nghĩa là: mặt ngoài không cần đẹp như ngọc; nhưng trong lòng hằng giữ bền như vàng). Nhưng, theo tôi nghĩ, ngoài cái vỏ cứng nhắc ấy, thực ra anh là một con người tận tụy, khắc nghiệt với chính mình mà khoan dung với người khác, và tôi nghe đồn là anh đã che chở, nâng đỡ cho nhiều người trong phạm vi có thể, trong những ngày khó khăn nào đó. Hơn thế nữa, trong anh là một tâm hồn lãng mạn: không chỉ "lãng mạn cách mạng", mà còn lãng mạn theo nghĩa… thông thường. Không quen biết thì khó hình dung được con người ấy lại rất mê nhạc lãng mạn phương tây. Tôi còn nhớ một kỷ niệm nhỏ: vào dịp cưới vợ chồng tôi, trong mớ quà mừng của anh chị, anh chọn tặng tôi đĩa bản concerto pour piano của Grieg, và đĩa bản nhạc concerto pour violon của Brahms, trong khi tôi lại ưa nhạc baroque hay xưa hơn nữa…Có điều nữa là anh Ngọc rất ghét nhạc Offenbach; lý do là theo anh, nhạc Offenbach dính liền với French Cancan, với vui chơi đùa giỡn. Nhưng thực ra, nhạc Offenbach đâu chỉ có vậy: tính nhạo báng, giễu cợt và « bất kính » cũng không loại trừ vẻ đẹp của âm điệu. Nhưng vào thời điểm mà nước nhà đang khói lửa, thái độ của anh cũng dễ hiểu.

Về Sài Gòn rồi, tôi có nghe kể là anh Ngọc quay ra "nghiên cứu" chiêm tinh, và có lời đồn đại về tài nghệ bói tử vi của anh, điều mà tôi không thấy anh nói tới khi còn ở Pháp. Một trong những lý do được giải thích sau này là anh sử dụng cái vỏ đó để làm công tác điệp viên, như bài báo trên Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006 đã dẫn, viết: "Nghe đâu, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người được giới chính trị cấp cao chính quyền Sài Gòn (chú thích của BTL: có lẽ là gia đình họ) hay cậy nhờ xem về hậu vận, ở một vị trí với uy tín vỏ bọc thuận lợi như thế, những tin tức tình báo chuyển về An ninh Trung ương Cục sẽ vô cùng có giá trị".

Có điều là sau ngày thống nhất, rồi ngay cả khi đã trở ra Hà Nội nhận công tác mới, anh còn tiếp tục bói tử vi; có người còn khen tài nghệ của anh là "quỷ khốc thần sầu" (anh HTB cho biết rằng ở Hà Nội thuở ấy có dư luận cho là có 3 vị xem tử vi hay: nhạc sĩ Hồng Đăng, ông Trần Quốc Vượng, và anh Nguyễn Đình Ngọc). Anh muốn gây ảnh hưởng với ai, hay là chính anh cũng đâm ra tin? Đọc trong cuốn sổ lưu niệm đám tang anh, tôi thấy có một ông thiếu tướng, tiến sĩ KHKT quân sự, chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tài năng con người, khi nhắc đến sự trao đổi với anh, viết: "[...] cố gắng tìm hiểu một số vấn đề bí ẩn mà chính chúng ta cũng chưa giải thích "… Nhưng xem chừng như « Bụt nhà không thiêng », nghe nói anh quyết anh sẽ còn sống thêm 3 tháng nữa, nhưng bệnh tật đã làm cho lời đoán không nghiệm. Nhưng đó là chuyện phụ.

Sau chiến tranh, năm 1977, nhân dịp về nước, tôi vào TP.HCM, mới gặp lại anh trong một bữa cơm riêng tại nhà người bà con, ở ngôi nhà 274 Nam Kỳ Khởi nghĩa đã kể trên. Khi ấy anh chưa ra Bắc nhận công tác mới. Lại nghe nói là anh còn trong đợt "chờ đợi kiểm tra". Điều này, bài báo trên Công An Nhân Dân trên mạng 9/5/2006, cũng có viết lướt: "Càng leo cao, người tình báo như ông càng cô đơn trong thực hiện nhiệm vụ, đó sẽ là điều dường như Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc muốn gửi gắm cho đồng nghiệp trẻ. Bởi có thời gian, do hoạt động đơn tuyến, ông cũng bị đặt nhiều dấu hỏi; thậm chí đến sau giải phóng miền Nam năm 1975, nhiều người trong lực lượng Công an còn chưa biết Nguyễn Đình Ngọc là ai, cả khi năm 1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ thuật và tháng 10/1994 được phong hàm Thiếu tướng". Tối hôm đó, khi chở tôi về khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi bằng xe đạp, tôi có hỏi anh về chuyện gia đình, anh có tâm sự một số điều. Tôi cũng đã nghe chị T. giải thích và tôi biết là sau 1975, Bộ Nội vụ nhiều lần cố gắng tạo điều kiện để chắp nối lại, nhưng việc không thành. Tôi biết nói gì hơn, khi tôi biết chị đã khóc cạn nước mắt trong nhiều năm, và dường như từ lâu nước mắt của anh đã chỉ « chảy vào bên trong ». Lời đồn và sự thật? Anh và tôi vốn đều không ưa để lộ tình cảm, nhưng tối hôm đó hình như anh nhận thấy tôi lén chùi khóe mắt, anh im lặng nắm vai tôi hồi lâu trước khi chia tay.

Rồi đến năm 1981, lần cuối cùng tôi về nước, trong buổi "Đoàn trí thức" tụi tôi trình bày về "hồ sơ Việt kiều: tiềm năng trí thức, kinh tế, vv." ở Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, anh có lại nghe, nhưng bữa đó đông người và tôi rất bận, nên chỉ kịp nói với nhau mấy câu chào hỏi. Rồi giữa anh và tôi cũng không có dịp liên lạc gì trực tiếp.

Mấy năm sau (tôi không nhớ kỹ thời điểm), tình cờ trong một buổi chiêu đãi ở Sứ quán ta ở Paris, vợ chồng tôi thấy anh Ngọc lại tìm tụi tôi: anh đi trong phái đoàn ông Bùi Thiện Ngộ (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thuở ấy hình như chưa tách ra Bộ Công an) sang hợp tác với Pháp về Interpol, và mua trang bị cho Bộ Nội vụ. Nhìn thấy anh mặc bộ "đồ lớn" complet-veston có cả gilet, tôi cười hỏi rằng có phải là bộ đồ của ông thân sinh anh thuở xưa không? Anh cũng cười và ngạc nhiên là tôi vẫn còn nhớ: vốn là thuở còn ở trong dưỡng đường ở Sceaux, một buổi tối, tôi ghé qua phòng anh, thấy anh đang dùng bút mực xanh để "chấm" các sợi chỉ đỏ trên bộ quần áo của ông thân sinh anh, thuở ông còn làm y sĩ trước thời cách mạng, bộ quần áo mà anh mang theo sang Pháp thời còn là sinh viên – anh không ưa các sợi chỉ đỏ trên bộ áo mầu xanh đậm, nên phải bỏ ra mấy đêm mới "chấm" hết các sợi chỉ đỏ đó trên bộ áo.

Anh Ngọc có lẽ cũng do nghề nghiệp điệp viên, ít khi nhắc kỹ đến gốc gác thời mình còn học ở Pháp. Tôi nhớ câu chuyện sau đây: Giới khoa học Pháp – trong đó có các nhà Toán học – thuở chiến tranh và ngay sau chiến tranh, có nhiều cảm tình với Việt Nam, nên nhiều người tự nguyện đi Việt Nam giảng bài, làm xêmina, vv. Có một lần ông F. Bruhat, giáo sư Đại học Paris 7, cũng là nhà toán học có tiếng, đi Việt Nam về, bảo tôi: "Lúc làm thuyết trình, tôi có được một người phiên dịch tuyệt vời, rất uyên bác, tên là Ngọc, anh có quen không?". Tôi hỏi lại: "Anh ta không nói gì với anh về những năm anh ta ở Pháp à? Và anh cũng quên hết về anh ta rồi sao? Chính anh là thành viên của ban giám khảo luận án của anh ta, và chính anh là người đã ra cái đầu đề "luận án thứ hai" cho anh ấy đấy mà!".

Cần nói thêm cho dễ hiểu: thời đó, khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước ở Pháp, ngoài việc bảo vệ cái luận án "chính", có lệ là ban giám khảo còn buộc thí sinh phải trình bày một giáo án trên một đề tài mà ban giám khảo trao cho, trong một lĩnh vực xa lạ với đề tài của cái luận án "chính", và chỉ được soạn giáo án này trong một thời gian giới hạn (vài ba tháng), để kiểm tra khả năng tiếp thu của thí sinh. Không nói gì với ông Bruhat là cố nhân, phải chăng cũng là một thứ méo mó nghề nghiệp điệp viên? Ngay cả năm ngoái, khi con nhớn của tôi cùng đồng nghiệp ở nước ngoài về tổ chức Hội nghị về Tin học RIVF'05 (Research, Innovation and Vision for the Future) ở Cần Thơ, anh có lại dự, và tự giới thiệu mình nay là "phóng viên khoa học".

Tôi cũng nghe anh HTB kể: Tháng 2/2006 sau hội nghị RIVF'06 ở Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc họp mấy người phụ trách RIVF bàn làm sao đưa Việt Nam và RIVF vào thành một section của IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineering). Bữa đó anh Ngọc cũng dự, rất yếu nhưng vẫn góp ý say sưa, nhanh lẹ như thường lệ.

Thuở xưa có ông Phan Kế Bính viết cuốn "Nam Hải dị nhân", kể sự tích về những nhân vật như Hai Bà Trưng, Bố Cái đại vương, Lý thường Kiệt,… và Lê Như Hổ ngày ăn nổi một nồi ba mươi cơm, vv. Sau này, nếu ai có ý định viết một cuốn "Nam Hải dị nhân" mới, xin đừng quên nhân vật Nguyễn Đình Ngọc…

Trở lại chuyện gia đình, mãi những năm gần đây, mới có sự "liên lạc" trở lại giữa anh ấy và chị T. và cháu H. (từ lâu đã trưởng thành), sau mấy chục năm gián đoạn, có lẽ vì chị T. kiên trì tìm nối lại, nhưng sự hàn gắn thì không có. Chuyện đời tư của một "thường nhân" thì không nên nói tới, nhưng khi một nhân vật đã có danh (tôi muốn nói: "homme public"), thì trái lại cũng cần biết thêm để soi rõ hoàn cảnh của thời cuộc. Về anh Ngọc thì công lao tất nhiên là nhiều; nhưng hy sinh và đau đớn thì cũng rất lớn, có thể nói là anh ít may mắn hơn một số người khác.

Người ta đồn đại nhiều về anh ấy, nhưng mấy ai biết được sự thật ở chỗ nào? Anh đã có lời phát biểu với một phóng viên: "[…] người cán bộ điệp báo như một ngọn đèn dù công suất có lớn đến đâu thì cũng không có giá trị tự thân. Phải có một sợi dây liên lạc, một cách thức để truyền thông tin, không có điều này thông tin mà người điệp báo thu thập được không có giá trị gì cả". Tôi đoán rằng tuy anh không nói tiếp ý của anh, có thể anh cũng đã không quên rằng có những người khác đã góp phần tạo điều kiện cho anh thực hiện được sứ mạng của anh.

Chị T. bảo tôi rằng nếu vào những giai đoạn cuối, chị và cháu nhiều lần về thăm anh những ngày bệnh anh đã nguy kịch – anh như "sống lại" mỗi lần gặp lại cháu – là vì chị nhớ tới lời ước mong của anh thuở công tác tính mạng còn như treo sợi tóc (sợ chị và cháu bị kẻ địch bắt làm làm con tin vì công tác của anh): ước mong có chị và cháu ngồi cạnh anh khi anh nhắm mắt. Điều mong ước ấy, có thể giờ chót anh còn nhớ chăng.

Những người thuộc thế hệ anh Ngọc đã phải trải qua những cảnh éo le, có thể nói là rất đau khổ. Có người tham gia cuộc chiến vì lý tưởng, vì bổn phận, có người vì thời cuộc đẩy đưa, chắc chẳng có mấy ai vì công danh như lời thơ "Chinh phụ ngâm":

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung…

Nhiều hoàn cảnh cũng không hẳn như lời bài ca « Quand un soldat » (« Khi người lính ») – có lẽ  phải gọi là bài thơ tự phổ nhạc – của Francis Lemarque, năm 1952, ở Pháp. Thuở ấy, tôi nghe mà thấy dửng dưng; nay đọc lại lời thơ, cũng thấy rung cảm. Tất nhiên, tác giả chỉ nói cảnh người lính đi chiến đấu không lý tưởng, nằm ngoài khuôn khổ của những lý do « chính đáng » vv. Tôi không phải là « dịch giả », mà là « dịch dở », nên xin chỉ tạm tóm lược đại ý vài câu, rồi chép nguyên văn bài thơ tiếng Pháp trong chú thích:

Chàng đi chiến chinh; trở thành nguyên soái, đó là mong ước.
Trên đường về, quần áo bẩn đeo vai, chân chàng bước.
Ra đi lúc tuổi đôi mươi; chiến tranh đếm xỉa gì đến tình yêu, đến lời thề ước.
Hết chiến tranh, may sống trở về; thôi, tạm coi là được!

Theo cuốn « Từ điển của Quỉ » (Dictionnaire du Diable) của Ambrose Bierce (1842-1914), dẫn trong cuốn « Les Miscellanées de Mr. Schott », nxb Allia 2005, « sự khâm phục [của mình đối với một người] » được định nghĩa là « cách lịch sự để công nhận sự giống nhau giữa mình và người đó ». Vì tôi hiểu như thế nên tôi không biết tán dương; tôi chỉ biết kể những điều tôi được biết, với cảm tình và lòng thân ái.

Và tôi nhớ tới câu chuyện: thuở trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám 1945, trong rừng Việt Bắc, cụ Hồ ốm nặng, nghĩ mình không sống được, có dặn dò ông Giáp: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Vì phải giành cho được độc lập thống nhất, những đau khổ chồng chất trong mấy chục năm, trải qua ngoại xâm, giết chóc, càn quét, chia lìa, ý thức hệ, cải cách ruộng đất, cuộc chiến Nam Bắc, vv. cộng lại, xem ra cũng xứng với cái hình ảnh tượng trưng "đốt cháy Trường Sơn" đấy chăng?

Paris 6/7/2006
Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư Đại học Paris (Pháp)