Trích một số điểm đáng chú ý trong đề án chương trình tài năng ngành Toán học 2018-2022
Áp dụng từ khóa tuyển 2018 (tức là cho các sinh viên nhập học năm 2018 về sau).
1. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1.1. Mục tiêu chung
Mục tiêu của chương trình đào tạo tài năng (CTTN) của ngành Toán học là tuyển chọn và tạo điều kiện phát triển cho các sinh viên ưu tú ngành Toán học. CTTN nhắm tới việc tạo môi trường thuận lợi cho các sinh viên có năng lực và động cơ học tập cao được học tập ở trình độ phù hợp, qua đó giúp các sinh viên này được thể hiện và phát triển năng lực của họ.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Tổ chức các lớp học tương đối nhỏ (khoảng 30 sinh viên/lớp) gồm các sinh viên có trình độ và động cơ học tập cao nhất khóa.
Sự khác biệt của các lớp trong CTTN chủ yếu không phải ở nội dung dạy và học, mà là cách dạy và học.
Cách dạy và học của các lớp CTTN nhấn mạnh phát triển khả năng tự học, tự chủ, tự nhận thức, tự định hướng của sinh viên. Tăng tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau. Tăng phản hồi, đánh giá của giảng viên lớp CTTN cho sinh viên. Tạo điều kiện để từng cá nhân sinh viên được quan tâm, được chọn và chọn được chương trình học tập và con đường phát triển phù hợp cho mình.
Các lớp CTTN tạo mọi trường học thuật khuyến khích thảo luận, mạnh dạn chia sẻ tư tưởng giữa giảng viên và sinh viên. Các sinh viên CTTN có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp xúc với những tư tưởng mới, ở trình độ cao hơn so với hệ đại trà, các giảng viên thỉnh giảng, nhờ các nhà khoa học từ nơi khác tới, các hoạt động ngoại khóa tại chỗ và ở nơi khác. Qua đó trình độ tư duy và năng lực sáng tạo của sinh viên CTTN được nâng cao vượt trội so với hệ đại trà.
Chất lượng chung của CTTN nhắm tới tiếp cận và tương đương với chất lượng của các chương trình ngành Toán của các trường đại học mạnh trên thế giới.
3. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
3.1. Cấu trúc chương trình
Mô hình tổ chức của CTTN căn bản dựa trên các môn học tài năng. Chương trình đào tạo tài năng là chương trình đại trà có thay thế và bổ sung một số môn học tài năng nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra cao hơn và đặc thù của chương trình. Tín chỉ tài năng là tín chỉ của môn học tài năng.
Để tốt nghiệp CTTN sinh viên phải đạt tổng số tín chỉ tài năng tối thiểu là 35 tc.
Tín chỉ môn học tài năng cụ thể gồm:
-
môn học tài năng ở giai đoạn đại cương: 26 tc. Các môn tài năng này được học trong lớp riêng, khác với lớp dành cho sinh viên đại trà.
-
môn học tài năng ở giai đoạn chuyên ngành: gồm một số môn bắt buộc chung theo hướng và bắt buộc riêng theo chuyên ngành. Danh sách cụ thể các môn học tài năng có trong bảng ở Mục 4.1.
-
môn Seminar chuyên ngành: 4 tc
-
môn Luận văn tốt nghiệp: 10 tc
3.2. Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra của CTTN không khác với chuẩn đầu ra của chương trình đại trà nhưng chất lượng và trình độ được nâng cao hơn.
Chuẩn đầu ra của môn học tài năng được nâng cao hơn lớp đại trà như sau.
-
Trong khi điểm quá trình của môn học đại trà thường chỉ gồm 1, 2 bài kiểm tra cá nhân, thì điểm quá trình của môn học của môn tài năng phải gồm nhiều cột điểm, trong đó phải có các bài tập cá nhân, bài tập nhóm, và có thể có thêm những bài tập lớn, bài tập làm thêm, bài đọc, bài thuyết trình, ... Các bài tập trong lớp tài năng phải có những bài nâng cao, mở rộng hơn, ở trình độ cao hơn so với bài tập ở lớp đại trà. Mỗi sinh viên lớp tài năng phải được có cơ hội trực tiếp trao đổi và trình bày trước lớp phần bài làm của mình.
-
Sinh viên lớp tài năng phải có thời gian thảo luận, suy nghĩ một số vấn đề khó mà trong lớp đại trà được bỏ qua.
4. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
4.1. Môn học tài năng
Danh sách các môn học tài năng có thể được Ban điều hành CTTN điều chỉnh cho từng khóa. Tiêu chí cho các môn tài năng giai đoạn chuyên ngành là trước hết phải nằm trong danh sách môn bắt buộc chung theo hướng và môn bắt buộc riêng theo chuyên ngành.
Môn học tài năng và môn học hệ đại trà có cùng mã số khác nhau ở phương pháp học tập hơn là nội dung học tập, nhằm gia tăng khả năng tư duy của sinh viên hơn là gia tăng kiến thức môn học. Do số sinh viên ít, các lớp môn học tài năng chú trọng việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên, sinh viên và sinh viên. Trong cách dạy môn học tài năng có nâng cao về trình độ tư duy. Một số nội dung khó mà chương trình đại trà chỉ trình bày sơ lược thì được nghiên cứu kỹ hơn trong lớp tài năng. Ví dụ với cùng một định lý thì ở lớp đại trà chỉ đặt yêu cầu hiểu nội dung và áp dụng được, thì ở lớp tài năng sẽ thảo luận thêm chứng minh. Ngược lại, những nội dung đơn giản hơn được thảo luận trong lớp đại trà thì ở lớp tài năng có thể giao cho sinh viên tự học.
Danh sách các môn tài năng sau đây dựa trên khóa CTTN gần nhất (2013-2017). Danh sách này có thể được ban điều hành CTTN điều chỉnh.
Danh sách các môn học tài năng (dùng mã số môn học cũ TTH, chương trình về sau dùng mã MTH) :
Giai đoạn đại cương: bắt buộc 26 tín chỉ (tc) |
Giải tích A1 - Giải tích cơ sở (TTH021, 3 tc) |
Giải tích A1 - Vi tích phân ( TTH022, 3 tc) |
Đại số A1 (TTH001, 4 tc) |
Giải tích A2 (TTH023, 5 tc) |
Đại số đại cương (TTH006, 4 tc) |
Giải tích A3 (TTH024, 4 tc) |
Giải tích A4 (TTH025, 3 tc) |
Giai đoạn chuyên ngành: số tín chỉ tùy hướng và chuyên ngành, tối thiểu 14 tc (gồm môn Seminar chuyên ngành và môn Luận văn tốt nghiệp). |
Lý thuyết độ đo và xác suất (TTH101, 4tc) |
Đại số A2 (TTH102, 4tc) |
Giải tích hàm (TTH104, 4tc) |
Giáo dục học (TTH150, 3tc) |
Toán Tài chính căn bản (TTH170, 4tc) |
Mô hình toán tài chính (TTH172, 4tc) |
Lý thuyết tài chính tiền tệ (TTH913, 4tc) |
Giải tích thực (TTH300, 4tc) |
Giải tích phi tuyến (TTH301, 4tc) |
Giải tích số 1 (TTH302, 4tc), |
Hàm biến phức (TTH304, 4tc) |
Phương trình toán lý (TTH305, 4tc) |
Phương trình đạo hàm riêng (TTH306, 4tc) |
Tôpô (TTH309, 4tc) |
Phương pháp số trong đại số tuyến tính (TTH363, 4tc) |
Hệ phương trình đạo hàm riêng hyperbolic của định luật bảo toàn (TTH368, 4tc) |
Giải tích phần tử hữu hạn (TTH372, 4tc) |
Phương pháp thể tích hữu hạn (TTH375, 4tc) |
Đại số hiện đại (TTH401, 4tc) |
Lý thuyết trường & Galois (TTH402, 4tc), |
Nhập môn lý thuyết vành (TTH405, 4tc) |
Đại số đồng điều (TTH403, 4tc) |
Đại số giao hoán (TTH404, 4tc) |
Xác suất nâng cao (TTH200, 4tc) |
Thống kê toán nâng cao (TTH201, 4tc) |
Thống kê nhiều chiều (TTH202, 4tc) |
Quá trình ngẫu nhiên (TTH203, 4tc) |
Cơ học lý thuyết (TTH250, 4tc) |
Cơ học môi trường liên tục (TTH251, 4tc) |
Cơ học vật rắn biến dạng (TTH603, 4tc) |
Cơ học chất lỏng (TTH604, 4tc) |
Phương pháp Phần tử hữu hạn (TTH254, 4tc) |
Cơ sở dữ liệu (TTH803, 4tc) |
Phân tích xử lý ảnh (TTH500, 4tc) |
Nhập môn trí tuệ nhân tạo (TTH502, 4tc) |
Số học và thuật toán (TTH905, 4tc) |
Phân tích thuật toán (TTH908, 4tc) |
Toán tài chính nâng cao (TTH700, 4tc) |
Seminar chuyên ngành (4tc) |
Luận văn tốt nghiệp (10tc) |
4.3. Phương pháp giảng dạy và phát triển kỹ năng cho sinh viên CTTN
Lớp học trong CTTN Khoa Toán-Tin học có thể được chia thành nhiều nhóm để thuyết trình, làm đề án và tranh luận trong giờ học. Việc này giúp người học phát triển tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng tổ chức, khả năng lãnh đạo, tính nhân văn và nhạy cảm với các chuyển biến xã hội, khả năng tiếp thu và trình bày ý tưởng, ý thức phục vụ cộng đồng.
Hoạt động học thuật ngoại khóa
CTTN hỗ trợ tổ chức các câu lạc bộ học thuật cho sinh viên.
Quỹ hỗ trợ sinh viên học tập của CTTN hỗ trợ tài chính cho các hoạt động cộng đồng và phục vụ cộng đồng của Đoàn/Hội liên quan đến Toán-Tin học có sinh viên CTTN tham gia.
Quỹ hỗ trợ sinh viên học tập của CTTN hỗ trợ tài chính cho các sinh viên tham gia và có thành tích trong các kì thi học thuật như Olympic Toán sinh viên toàn quốc, các kì thi sáng tạo khoa học dành cho sinh viên, ...
Tiếng Anh
Việc học tiếng Anh chuyên ngành Toán-Tin học được thực thiện trong các lớp học tài năng bằng tiếng Anh. Có ít nhất 1 môn học tài năng học bằng tiếng Anh cho mỗi khóa.
Để bảo đảm sinh viên có đủ trình độ tiếng Anh để hiểu bài giảng và tham gia thảo luận trong lớp, các lớp học giảng bằng tiếng Anh được mở ở niên học thứ ba và thứ tư. Ban điều hành CTTN sẽ chọn trong danh sách các môn học tài năng để mở môn học bằng tiếng Anh. Giáo trình các môn này phải viết bằng tiếng Anh. Sinh viên được khuyến khích viết bài bằng tiếng Anh.
Các lớp học với giảng viên thỉnh giảng bằng tiếng Anh được tính là lớp học bằng tiếng Anh. Sinh viên CTTN Khoa Toán-Tin học trong thực tế có nhiều cơ hội học trong các lớp dạy bằng tiếng Anh với các giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là các lớp học ngắn, các lớp học hè. Đi dự các seminar, hội nghị khoa học cũng là dịp cho sinh viên sử dụng tiếng Anh trong công việc.
5. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN VÀ QUẢN LÝ SINH VIÊN TÀI NĂNG
5.1. Tuyển chọn đầu năm thứ nhất
-
Đối tượng tuyển chọn vào chương trình học: đã trúng tuyển vào hệ chính quy của trường.
-
Từ danh sách trúng tuyển Ban điều hành CTTN sẽ chọn từ các sinh viên có tổng điểm tuyển sinh từ cao đến thấp và sinh viên tuyển thẳng.
-
Chỉ tiêu tuyển sinh: 30 sinh viên.
5.2 Liên thông giữa hệ đại trà và CTTN
Thời điểm liên thông giữa hai hệ
Việc đưa các sinh viên yếu của CTTN sang chương trình đại trà và tuyển thêm các sinh viên xuất sắc của chương trình đại trà vào CTTN sẽ được làm vào cuối năm học thứ nhất và cuối năm học thứ hai.
Quy trình liên thông
Dựa vào điểm trung bình tích lũy Ban điều hành CTTN sẽ lập danh sách 30 sinh viên của CTTN cho niên khóa sau như sau:
-
Thành phần dự tuyển gồm :
- Các sinh viên trong danh sách sinh viên đang trong CTTN không có đơn xin chuyển sang chương trình đại trà và có điểm trung bình tích luỹ lớn hơn hay bằng 7.
- Các sinh viên chương trình đại trà khoá tương ứng, không nợ một môn học nào thuộc ngành Toán học vào thời điểm được xét tuyển, điểm trung bình tích luỹ lớn hơn hay bằng 7, có đơn xin chuyển sang CTTN.
-
Cách tuyển chọn :
- Nếu số sinh viên trong thành phần dự tuyển ít hơn 30, tuyển tất cả.
- Nếu số sinh viên trong thành phần dự tuyển nhiều hơn 30, việc tuyển chọn dựa vào điểm trung bình tích luỹ đến thời điểm xét tuyển.
- Trong trường hợp phải chọn lựa giữa các sinh viên bằng nhau về tiêu chuẩn điểm trung bình tích luỹ, sẽ ưu tiên cho các sinh viên có điểm cao trong các môn ngành Toán học, hoặc có các thành tích học tập bổ sung.
5.3. Điều kiện tốt nghiệp
Sinh viên được tốt nghiệp CTTN nếu thỏa tất cả các yêu cầu tốt nghiệp hệ đại trà và thỏa yêu cầu về tín chỉ của môn học tài năng: đạt ít nhất 35 tín chỉ từ môn học tài năng, trong đó phải có 4 tín chỉ môn Seminar chuyên ngành và 10 tín chỉ môn Luận văn tốt nghiệp.
7. HỖ TRỢ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tất cả sinh viên CTTN được bước đầu tham gia nghiên cứu khoa học, tối thiểu là qua hình thức làm một luận văn tốt nghiệp. Bên cạnh đó CTTN đưa ra yêu cầu bắt buộc môn Seminar chuyên ngành. Khi một sinh viên hoàn thành hai yêu cầu này thì đã tiến bước đáng kể vào một lĩnh vực chuyên môn dưới sự dẫn dắt của giảng viên hướng dẫn. Đây chính là hình thức mỗi sinh viên có một giảng viên hướng dẫn suốt năm thứ tư. Qua giai đoạn học seminar và làm luận văn sinh viên đã có thể có đủ hiểu biết và định hướng để gia nhập nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn luận văn. Kinh nghiệm cho thấy trong nhiều trường hợp lĩnh vực của luận văn trở thành lĩnh vực nghiên cứu của sinh viên khi học sau đại học và làm việc sau này.
Các giảng viên CTTN khuyến khích, động viên sinh viên dự các báo cáo chuyên đề seminar, các khóa học ngắn, các lớp hè, và hội nghị ở Khoa. Sinh viên cũng được khuyến khích và hỗ trợ tài chính để đi dự các khóa học nâng cao ở các nơi khác. Những hoạt động này giúp sinh viên mở mang tầm mắt, tiếp xúc với những nhà khoa học lớn, những ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, hữu ích, giúp sinh viên vui thích và hứng khởi được làm khoa học.
Các luận văn tốt nghiệp và các nghiên cứu của sinh viên đặc biệt ở các chuyên ngành có tính ứng dụng cao như Tin học được khuyến khích và hỗ trợ tài chính để tham gia các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp thành phố, ... CTTN có khen thưởng cho sinh viên nếu sinh viên đạt thành tích trong các cuộc thi học thuật.
CTTN có khen thưởng cho các sinh viên có công bố khoa học ở các mức độ khác nhau.
10. HỌC BỔNG VÀ HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO SINH VIÊN
Sinh viên CTTN được nhận học bổng của CTTN dựa trên thành tích học tập. Sinh viên còn được hỗ trợ tài chính cho các hoạt động học tập.
Sinh viên CTTN được khuyến khích đăng kí các học bổng bên ngoài. Đặc biệt học bổng của Chương trình Quốc gia Phát triển Toán học hiện cho Khoa Toán-Tin học khoảng 30 suất mỗi năm (mỗi suất trị giá khoảng 16 triệu đồng/năm). Các sinh viên CTTN thường nhận được các học bổng khác như Vallet, Lawrence S. Ting, Panasonic, ...